Thung lũng xanh A Lưới

Trong chiến tranh chống Mỹ, đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ địa cách mạng A Lưới đã làm nên nhiều kỳ tích. Sau chiến tranh, A Lưới là một vùng đất khô cằn đầy rẫy hầm hố và bom đạn, chất độc da cam... Những di chứng ấy tưởng không bao giờ chữa khỏi, nhưng hôm nay A Lưới đã vươn mình trỗi dậy.
Thung lũng xanh A Lưới

Trong chiến tranh chống Mỹ, đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ địa cách mạng A Lưới đã làm nên nhiều kỳ tích. Sau chiến tranh, A Lưới là một vùng đất khô cằn đầy rẫy hầm hố và bom đạn, chất độc da cam... Những di chứng ấy tưởng không bao giờ chữa khỏi, nhưng hôm nay A Lưới đã vươn mình trỗi dậy.

Đường Hồ Chí Minh đi qua thung lũng A Lưới đã làm chuyển biến mạnh mẽ kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao này.

Đường Hồ Chí Minh đi qua thung lũng A Lưới đã làm chuyển biến mạnh mẽ kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao này.

Từ thành phố Huế, vượt qua hơn 70km đèo dốc quanh co của quốc lộ 49, qua ngã ba Bốt Đỏ, thị trấn A Lưới hiện ra trên đường Hồ Chí Minh mới khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nữ anh hùng Hồ Kan Lịch, người Pa Kô, một trong những Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên trên dãy Trường Sơn, hớn hở khoe: “A Lưới hôm nay khác xưa nhiều lắm”.

Trước đây, đồng bào dân tộc A Lưới sống du canh du cư, đói nghèo triền miên. Sau giải phóng lại bị ảnh hưởng nặng nề của bom đạn chiến tranh, chất độc da cam nên bệnh tật, đói rét luôn vây bủa. Người dân lúc bấy giờ sống rải rác ở các bản làng sâu tít trong dãy Trường Sơn, đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ bề. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong việc giúp đỡ giống cây trồng, định canh định cư... nên giờ đây bà con đã tự lập hơn, biết chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

“Dân A Lưới giờ cưỡi xe máy nhiều rồi, không phải đi bộ như trước nữa; cái nghe, cái nhìn cũng đầy đủ... Lớp trẻ giờ còn hăng say lao động hơn. Đặc biệt, từ khi có đường Hồ Chí Minh đi qua, cả huyện A Lưới như “đổi màu”. Đời sống người dân đi lên nhờ bà con ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với cái hay, cái mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, so với nhiều nơi khác, A Lưới mình vẫn còn nghèo, cần phấn đấu hơn nữa” - Kan Lịch thoáng chút trầm tư.

Huyện A Lưới có 42.998 người với 9.589 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78% (gồm Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy…). Trong 21 năm chiến tranh gian khổ cứu nước, đồng bào các dân tộc tại A Lưới đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phục vụ kháng chiến, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Thời chống Mỹ, A Lưới có hơn 15.000 đồng bào dân tộc, thì gần 10.000 người tham gia cách mạng, trong đó có hơn 2.000 người là chiến sĩ quân giải phóng và hàng ngàn dân quân hỏa tuyến… Huyện A Lưới đã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, 16/21 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Sau ngày giải phóng, bước ra từ đổ nát chiến tranh, đối diện với muôn vàn khó khăn chồng chất, A Lưới hầu như bắt đầu từ con số không trên tất cả lĩnh vực. Cuộc sống của đồng bào du canh, du cư - phát cốt đót trỉa, thiếu muối, thiếu gạo, thiếu cái chữ. Điện, đường, trường trạm chưa có... Thế nhưng hôm nay, một màu xanh mới đã phủ lên vùng đất khô cằn, xóa dần những vết thương xưa. A Lưới đã cơ bản phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Cùng với lượng lớn diện tích nương rẫy và lúa nước, người dân đã phát triển gần 800ha cà phê, hơn 600ha cây cao su và 10.000ha rừng kinh tế... Toàn huyện đã xóa được 2.663 nhà tạm với kinh phí gần 40 triệu đồng/nhà, đồng thời hỗ trợ người dân xây mới 270 nhà với tổng chi phí 1,6 tỷ đồng. Đảng bộ và nhân dân huyện A Lưới đồng lòng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, tạo được bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho hay: Trước đây nhiều vùng thiếu ăn nhưng nay đã tự chủ được lương thực. Dân mình đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng. Điều đặc biệt, trong kháng chiến chưa đến 10% đồng bào biết chữ, nay con số này đã lên đến 95%. Điện, đường, trường trạm về tận thôn bản.

Đến nay, toàn huyện có 49 cơ sở trường học, với gần 1.000 giáo viên, trong đó 1/3 là giáo viên dân tộc thiểu số. Hiện tất cả 21 xã đã có trạm y tế, 95% số gia đình đã dùng điện lưới; hơn 87% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ đói nghèo chỉ còn 21% (trước đây 61%). Đặc biệt, từ khi khai thông cửa khẩu A Đớt và Hồng Vân cùng tuyến đường Hồ Chí Minh, bộ mặt huyện miền cao này đã thay đổi rõ rệt. Đến A Lưới hôm nay, ta bắt gặp một màu xanh ngút ngàn của cây trái, cao su, cà phê... hòa vào màu xanh của núi rừng đang hồi sinh mạnh mẽ.

Phan Lê

Tin cùng chuyên mục