(SGGPT7).- Thông tin biến động tăng tỷ giá ngoại tệ đã khiến các loại thuốc trên thị trường TPHCM đồng loạt tăng giá bán. Nhiều mặt hàng có mức tăng trên 50%. Nhiều công ty dược cũng hùa theo giá ngoại tệ tăng với “chiêu” tăng giá trước, xin phép sau.
Đồng loạt tăng giá
Từ đầu tháng 11, Công ty TNHH Dược phẩm Xuân Phúc (Tân Bình) thông báo tăng giá 27 mặt hàng với mức tăng từ 11%-54%. Cty TNHH Dược phẩm Hoa Linh (Tân Bình) cũng báo giá tăng đối với sáu mặt hàng, trong đó ba mặt hàng tăng giá ở mức 16%-21%. Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex (Q.1) báo giá tăng ở mức 9%-12% đối với sáu mặt hàng của nhà sản xuất Novartis...
Tại Trung tâm phân phối sỉ tân dược Tô Hiến Thành (Q.10), nhiều điểm kinh doanh đã ra thông báo mới của các hãng dược về việc tăng giá thuốc. Hãng Novartis đã đề nghị các nhà phân phối sỉ, lẻ điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thuốc. Công ty CP dược phẩm Quảng Bình (chi nhánh TPHCM) cũng đã có bảng giá mới cho một số loại thuốc kháng sinh, như Cipro Floxacin 500mg từ 45.000đ lên 50.000đ/hộp, Terpin Codein (đặc trị ho) tăng từ 40.000đ lên 42.000đ/hộp.
Một nhân viên bán thuốc trên đường Thành Thái (Q.10) cho biết, thuốc ngoại tăng giá đợt này đều là những loại thuốc đắt tiền. Trước thông tin tăng giá, nhiều nhà thuốc tranh thủ “ôm” hàng để trữ. Trong khi đó, các công ty phân phối cũng có “chiêu” riêng khi chỉ cung cấp nhỏ giọt, thậm chí thông báo hết hàng để chờ thuốc tăng giá thêm mới đưa ra thị trường.
Cần có quỹ bình ổn giá thuốc
Việc tăng giá thuốc được các doanh nghiệp (DN) lý giải do nhiều loại chi phí đầu vào tăng như giá ngoại tệ, nguyên liệu, xăng dầu...
Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, TPHCM chiếm 70% thị phần dược phẩm cả nước, nhưng sở không quản lý giá của các DN dược nước ngoài và các tỉnh khác có thuốc lưu hành trên địa bàn TPHCM mà cấp quản lý là Cục Quản lý dược. Để hạn chế việc tăng giá tự phát, Cục Quản lý dược nên đề nghị các DN công bố giá thuốc nhập khẩu (giá CIF) để các nhà bán buôn, bán lẻ có thể căn cứ vào giá này mà quyết định mua hàng của ai, nhà cung cấp nào họ cho là hợp lý...
Một nghịch lý khác cần đề cập chính là việc tăng giá ăn theo tỷ giá. Mới nghe thông tin tỷ giá ngoại tệ biến động tăng là các DN nhập khẩu thuốc nhanh tay điều chỉnh giá thuốc. Thậm chí nhiều DN sử dụng chiêu tăng giá trước, xin phép sau. Nếu phân tích rõ thì việc tăng giá của các DN trong thời điểm này chính là “té nước theo mưa”. Bởi, việc DN đặt mua thuốc, nguyên liệu từ các nhà sản xuất đã được thực hiện và thanh toán từ trước.
Liệu có phải việc tỷ giá chợ đen tăng nóng mới đây là nguyên nhân chính gây tăng giá thuốc? Nhiều công ty sản xuất thuốc trong nước cho rằng, tỷ giá tăng chưa hẳn là nguyên nhân quyết định mà còn có nhiều yếu tố khác chi phối. Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng thuốc trên thị trường VN hiện có 22.000 mặt hàng với hơn 1.500 hoạt chất nên việc đưa ra giá tối đa cho từng loại thuốc là điều khó có thể làm được. VN hiện lệ thuộc 90% nguyên liệu và 50% thuốc thành phẩm nên rất khó kiểm soát giá. Thậm chí còn có cả nguyên nhân là đầu tư trang thiết bị mới, đầu tư nghiên cứu, cải tiến sản phẩm mới... nên giá tăng. Ngoài ra, chi phí quảng cáo ồ ạt, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu... góp phần đội giá thuốc lên nhiều lần.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước đã có chủ trương rót kinh phí để bình ổn giá cho nhiều mặt hàng thì cũng phải có quỹ bình ổn đối với nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước. Có như vậy sẽ hạn chế phần nào việc tăng giá thuốc.
HOÀNG ANH