Nghịch lý giá thuốc - Bài 1: Giá thuốc “cắt cổ” ở bệnh viện

Có mặt tại một số nhà thuốc bệnh viện ở TPHCM, chúng tôi không khỏi đau lòng trước cảnh “quặn thắt” của người bệnh khi phải vét từng đồng bạc còm cõi trả tiền thuốc. Nhiều toa thuốc đã lên đến hàng triệu đồng. Nhưng chẳng mấy ai trong số họ biết rằng: giá nhiều loại thuốc bệnh viện phải nói thẳng là “cắt cổ”, cao gấp 3 - 4 lần giá bán bên ngoài.
Nghịch lý giá thuốc - Bài 1: Giá thuốc “cắt cổ” ở bệnh viện

Có mặt tại một số nhà thuốc bệnh viện ở TPHCM, chúng tôi không khỏi đau lòng trước cảnh “quặn thắt” của người bệnh khi phải vét từng đồng bạc còm cõi trả tiền thuốc. Nhiều toa thuốc đã lên đến hàng triệu đồng. Nhưng chẳng mấy ai trong số họ biết rằng: giá nhiều loại thuốc bệnh viện phải nói thẳng là “cắt cổ”, cao gấp 3 - 4 lần giá bán bên ngoài.

  • Chưa hết bệnh đã... đổ nợ

Sau 3 giờ chờ đến lượt khám, bà Nguyễn Thị Ba (ngụ Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) được chẩn đoán bị viêm gan. Bà lê từng bước mệt mỏi lách qua đám đông người bệnh để đi mua thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Cầm toa thuốc với tổng cộng 7 loại trên tay, mắt bà như mờ đi. Nộp xong sổ khám và đơn thuốc cho nhà thuốc BV Chợ Rẫy, bà ngồi bệt ngay dưới nền bê tông và móc trong túi ra từng tờ tiền nhàu nát, tổng cộng được 850.000 đồng.

“Lên thành phố từ hôm qua, tiền xe, tiền khám, tiền ăn và ở trọ hết 500.000 đồng rồi. Giờ chỉ còn chừng này”, bà Ba nói. Rồi cũng đến lượt bà lãnh thuốc. Cô dược tá nói vào micro: “Một triệu sáu”. Không nói lời nào, người bà Ba run lên, thân hình gầy gò như muốn khuỵu xuống. “Tui không đủ tiền, xin bác sĩ cho bớt thuốc lại”, giọng bà thều thào.

Cuối cùng bà Ba chỉ đủ tiền mua 4 loại thuốc trong toa. Bà lủi thủi ra khỏi khuôn viên bệnh viện, ngoái đầu than thở: “Xin xe buýt đi nhờ vậy. Tháng sau bán nốt thửa ruộng lại lên khám tiếp”.

Cầm phiếu thu tiền thuốc của BV Ung bướu TPHCM với tổng cộng gần 2,3 triệu đồng, ông Lê Thành Khôi (ngụ Bình Phước) săm soi hồi lâu bởi cứ nghĩ mấy cô bác sĩ tính nhầm. “Tháng rồi chỉ mất hơn một triệu đồng, nay vọt lên hơn 2 triệu. Hay bác sĩ cho thuốc tốt hơn”.

Ông Khôi phân vân. Bị viêm loét dạ dày chuyển qua ung thư từ 3 năm nay, nên cứ 1 - 2 tháng ông lại lên bệnh viện khám và mua thuốc chạy chữa. Nhà ông có 2 sào rẫy trồng bắp và tiêu, nhưng từ lúc ông đổ bệnh không làm rẫy được, trong khi 3 con còn nhỏ. “Cho người ta thuê rẫy canh tác mỗi năm được 20 triệu đồng nhưng tiền thuốc thang lại lên đến vài chục triệu đồng/năm. Hôm về đây khám, chạy vạy mãi mới vay được 3 triệu đồng. Nếu bệnh không khỏi chắc phải bán nhà, bán ruộng sớm” - ông Khôi thở dài.

Dạo qua một số nhà thuốc bệnh viện ở TPHCM, chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh bệnh nhân “quặn thắt” mỗi lần mua thuốc. Không phải vì bệnh tình đau đớn mà tiền mua thuốc, hóa chất quá cao, trong khi đa số họ đều nghèo. Chưa kể những bệnh nhân bị ung thư, bị bệnh mãn tính phải vô hóa chất, mua biệt dược đắt tiền. Nói như bệnh nhân Hoàng Ngọc Vũ, đang điều trị ung thư vòm họng tại BV Ung bướu TPHCM: “Tiền bạc, vật dụng có giá trị trong nhà tôi đều đã đổ vào mua thuốc, hóa chất”.

  • Mua 1, bán 3 - 4

Đã qua nửa tháng kể từ ngày đưa con đến khám bệnh sốt siêu vi tại BV Nhi đồng 2 TPHCM, nhưng anh Nguyễn Đức Thụ, ngụ quận 12 TPHCM, vẫn chưa hết bức xúc vì phải mua thuốc giá cao. Anh Thụ cho biết ngày 20-3 vừa qua, anh đưa con đến khám tại khu khám bệnh phía cổng sau (đường Lý Tự Trọng), được bác sĩ kê toa 3 loại thuốc là Fixcap-DT 100mg (10 viên), Daenase (10 viên), Chlorpheramin 4mg (10 viên) và hướng dẫn ra nhà thuốc bệnh viện mua.

Tại đây, anh Thụ đã trả cho biên lai thu tiền tổng cộng 94.280 đồng. Tuy nhiên, 3 ngày sau anh cầm toa thuốc trên ra hiệu thuốc gần nhà mua, mỗi loại 10 viên nhưng tổng số tiền phải trả chỉ 31.000 đồng. Điều đáng nói, trong 3 loại thuốc trên, Fixcap-DT 100mg được bệnh viện bán với giá “cắt cổ” là 6.600 đồng/viên, trong khi hiệu thuốc bên ngoài bán 2.000 đồng/viên.

Còn khảo sát của PV SGGP tại Trung tâm Dược sỉ Tô Hiến Thành (quận 10), Fixcap-DT 100mg chỉ có giá 1.700 đồng/viên. Thông tin của một cán bộ xuất nhập khẩu của một hãng dược phẩm ở TPHCM, giá Fixcap-DT 100mg nhập khẩu (giá CIF gồm giá gốc, phí bảo hiểm, cước vận chuyển) chỉ khoảng 500 - 600 đồng/viên. Qua đó mới thấy, từ giá nhập khẩu đến giá bán cho bệnh nhân là một khoảng chênh lệch rất lớn và đương nhiên người phải gánh chịu không ai khác là những người bệnh nghèo.

Để hình dung thêm giá thuốc bệnh viện so với giá bán lẻ bên ngoài và giá CIF, chúng tôi đã thu thập phiếu thu tiền thuốc của một số bệnh viện và đối chiếu. Chẳng hạn thuốc Fortec (dạng viên, trị viêm gan) được nhà thuốc BV Chợ Rẫy bán 3.100 đồng/viên nhưng tại nhà thuốc bán lẻ đối diện cổng bệnh viện chỉ bán 2.700 đồng/viên, còn tại Trung tâm Dược sỉ Tô Hiến Thành chỉ còn 2.500 đồng/viên.

Hay như thuốc Liverhel (dạng viên) bán tại nhà thuốc BV Chợ Rẫy là 5.170 đồng/viên nhưng hiệu thuốc bên ngoài chỉ bán 3.300 đồng/viên và giá CIF được Cục Quản lý dược xác nhận chỉ khoảng 1.600 đồng/viên. Tính ra thuốc Liverhel được bệnh viện bán cao gần gấp đôi bên ngoài và gấp 4 lần (400%) giá CIF… Còn Travinat 500mg tại BV Ung bướu TPHCM bán 15.400 đồng/viên nhưng bán lẻ bên ngoài chỉ 13.000 đồng/viên…

Lâu nay, người dân than trời vì giá thuốc bệnh viện quá cao nhưng các cơ quan chức năng, cụ thể là Cục Quản lý dược vẫn “tỉnh bơ”. Hàng năm tổ chức đôi cuộc thanh tra rồi… im lặng. Qua một số đợt thanh tra năm 2007, 2008, 2009, Bộ Y tế xác nhận một số loại thuốc bệnh viện cao hơn bán lẻ bên ngoài chỉ khoảng 13-15%. Tuy nhiên, đó là con số mà Bộ Y tế ghi nhận được, còn thực tế cao gấp nhiều lần.

Hiện các loại thuốc vào bệnh viện phần lớn qua đấu thầu. Và phần lớn thuốc trúng thầu với giá cao bởi đã qua nhiều khâu “lót tay”, “hoa hồng”. Hơn nữa một số loại thuốc không có trong danh sách thầu nhưng do nhu cầu điều trị nên phải mua ở các cửa hàng khác, lúc đó giá được đẩy lên “đội trần”. Đó là chưa kể một số bác sĩ bị “hãng dược cầm tay kê toa” thì giá thuốc mà bệnh nhân gánh không thể nào… chịu xiết. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục