Với quyết tâm thoát nghèo, thương binh 4/4 Nguyễn Thế Hùng (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) đã chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình VAC (vườn cây, ao cá và chuồng trại). Nhờ tính tình chịu cực, chịu khổ và ham học hỏi, ông đã thành công ngoài mong đợi. Không chỉ nuôi con ăn học thành tài, xây dựng nhà cửa khang trang, mô hình này còn giúp ông được bầu chọn là nông dân sản xuất giỏi 7 năm liền.
Lấy công làm lời
Tiếp chúng tôi trong ngôi biệt thự khang trang rộng hơn 300m2 với đầy đủ tiện nghi, ông Hùng vui vẻ cho biết: “Nhà này được xây dựng từ tiền lãi mô hình VAC đấy”. Như để chứng minh điều này, ông dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao của mình. 18 con heo nái và gần 50 con heo thịt đang ụt ịt trong dãy chuồng xây cạnh các ao nuôi cá phi, cá tra.
Nhớ lại những ngày khó khăn khi chỉ làm được một hoặc cao lắm 2 vụ lúa trong năm, ông như gặp lại cảnh cả gia đình 5 miệng ăn không đủ no trong những mùa thất vụ. Trăn trở ngày đêm, ông thấy chỉ có chuyển đổi mô hình trồng trọt mới mong thoát được kiếp nghèo và lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Nghĩ là làm. Năm 1995, với số tiền vay được từ quỹ hỗ trợ của nhà nước, cộng thêm một công đất ao mặt nước, ông thả 20kg cá phi con và xây chuồng nuôi 5 con heo thịt. Với kinh nghiệm học được từ mô hình VAC của các địa phương và tham khảo trên báo, đài, cộng với quyết tâm lập nghiệp, tính chịu cực của một người lính nông dân, ông cùng vợ ngày cũng như đêm dành hết tâm sức lo cho bầy heo, con cá. Thức ăn cho heo ông lấy từ hèm nấu rượu, cắt thêm rau muống, chuối cây… còn phân heo được tận dụng để nuôi cá. Phương châm là lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để vụ sau năng suất cao hơn vụ trước.
Với suy nghĩ lấy công làm lời, gần 20 năm qua, vợ chồng ông không dám thuê người làm mà tự lo toan mọi chuyện. Ông cùng vợ chăm lo bầy heo có những thời điểm lên đến 25 con heo nái và hơn 80 con heo thịt. Với giọng chân chất, mộc mạc, ông tâm sự: “Mình làm nông thì phải chịu cực, không phải cực một hay hai ngày mà hết tháng này qua năm khác. Ai không chịu nổi cực khổ thì không thể làm nông”. Đúng là làm sao có thể an nhàn khi có rất nhiều đêm 2 - 3 con heo nái đẻ liền cùng lúc. Dù đã 67 tuổi, nhưng những đêm thức trắng để canh heo, rồi nào là đỡ đẻ, chăm sóc heo mẹ lẫn heo con… với ông là chuyện bình thường.
Trái ngọt
Được như ngày hôm nay, còn do ông dám nghĩ dám làm. Khi nhận thấy mô hình mình áp dụng đang từng bước thành công, năm 2000 ông bàn với vợ cải tạo thêm 5 công đất thành ao để thả cá và bắt đầu nuôi thử nghiệm 5 con heo nái. Rồi dần dần cơi nới chuồng trại bằng cách 1 năm xây thêm vài chuồng. Và chính đàn heo nái này đã giúp ông nên cửa nên nhà cũng như nuôi 3 đứa con của ông ăn học thành tài.
Theo lẽ, mỗi con heo nái chỉ đẻ 2 lứa một năm. Thế nhưng heo của ông 2 năm lại sinh 5 lứa. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Để thúc heo đẻ nhiều lứa thì cần theo dõi thường xuyên để chăm sóc tốt. Quan trọng nhất là khâu cho ăn và tranh thủ thời gian để phối giống”. Ông nói vui rằng, chăm heo nái nhiều lúc còn hơn chăm con nhỏ. Chính tinh thần ấy đã giúp ông được như hôm nay, trong khi nhiều người không thể chịu nổi cực khổ đã bỏ cuộc giữa chừng.
Với người thương binh ấy, sự cực khổ để có được miếng cơm, con chữ cho con cái thì có sá chi so với nỗi khổ ông đã trải qua khi bị thương và bị bắt tù đày. Ông từng bị giặc bắt bỏ tù ở Hố Nai, Biên Hòa và Phú Quốc hơn 3 năm. Vậy mà khi ra tù, với cái chân thương tật, ông vẫn cầm súng chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Nhìn vào cái chân khập khiễng tưởng đã phải cưa bỏ, ông bảo nó nhắc ông nhớ rằng khi mình không bỏ cuộc thì thành công sẽ đến.
Ở ông toát lên một ý chí, tinh thần ham học hỏi. Ông không chỉ học kinh nghiệm nuôi trồng mà còn tìm tòi học làm thú y để tự chăm sóc bầy heo, đàn cá của mình. Với đàn heo, ông luôn theo dõi sát để biết con nào có dấu hiệu bệnh và cần điều trị bằng thuốc gì. Nhờ vậy ông tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hàng năm, trừ đi tất cả chi phí, ông thu về hơn 100 triệu đồng. Sự sáng tạo và thành công của mô hình VAC đã giúp ông đạt nhiều danh hiệu: Nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương, nông dân tiêu biểu cấp thành cũng như nhiều bằng khen của TPHCM.
Với ý chí và nghị lực vượt khó, người thương binh Nguyễn Thế Hùng không chỉ đưa gia đình mình trở nên khá giả mà còn đóng góp hàng năm vài chục triệu đồng để địa phương giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, xây dựng đường sá. Ông nghĩ đơn giản, thời kháng chiến dân đã nuôi mình, nay mình góp một phần nhỏ để giúp xã hội phồn vinh hơn.
THÁI PHƯƠNG