22 giờ đêm qua (ngày 17-2, tức mồng 4 Tết), công đoạn dọn dẹp đường hoa Nguyễn Huệ bắt đầu, khép lại một công trình mang đậm nét đặc trưng mỗi mùa tết của TPHCM. Năm nay, TP mạnh dạn kéo dài đường hoa tết đến 7 ngày với sự chuẩn bị công phu, kỹ càng và chu đáo của tất cả các lực lượng có liên quan. Bắt đầu từ đêm khai mạc (28 Tết), kéo dài đến tận cuối ngày mồng 4 Tết, đường hoa Nguyễn Huệ vẫn vẹn nguyên, rực rỡ hàng trăm loại hoa đua sắc.
Để có được sự bình yên cho đường hoa tết, Hội Hoa xuân Tao Đàn, chợ hoa tết ở các khu vực trung tâm TP, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 600 chiến sĩ công an quận 1, 400 thanh tra xây dựng quận 1, khoảng 500 nhân viên Công ty Dịch vụ công ích TNXP và những lực lượng khác đã túc trực ngày đêm sẵn sàng bước vào “chiến dịch” - cách gọi của các anh, bảo vệ khu vực trung tâm TP suốt những ngày trước trong và sau tết. Và một trong những điều quan trọng nhất, khiến hầu hết người dân Sài Gòn tự hào nhất chính là ý thức giữ gìn đường hoa tết gần như đã thấm vào trong nhận thức của mỗi người dân và du khách.
Nhà nào ở khu vực bao quanh đường hoa cũng trang hoàng nhà cửa đẹp hơn, ăn mặc lịch sự hơn; cảnh níu kéo du khách chụp ảnh của những thợ ảnh trên đường hoa cũng không còn; không có bất kỳ một người ăn xin nào lang thang trong khu vực.
Mỗi ngày, đường hoa Nguyễn Huệ đón không dưới vài trăm ngàn khách tham quan, dòng người lúc nào cũng đông đúc nhưng tuyệt nhiên không nhìn thấy cảnh bẻ cành, trộm hoa. Người đi sau nhắc người đi trước nếu vô tình bước vào khu vòng chắn để chụp hình… Một đường hoa đẹp cùng với cách ứng xử văn minh, văn hóa của người thưởng ngoạn đã mang lại cho những con đường trung tâm TP những cảnh tượng đẹp mắt trong các ngày đầu xuân, đọng lại trong lòng nhiều du khách quốc tế có mặt tại trung tâm TP những ngày này ấn tượng rất tốt đẹp.
Đường hoa tết và cách bảo vệ đường hoa tết của TPHCM trở thành một nét đẹp văn hóa, một “thương hiệu” của TP Anh hùng mang tên Bác.
Từ sáng kiến tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ và thực hiện thành công sáng kiến này trong Tết Giáp Thân năm 2004, đường hoa tết tại TPHCM đã góp phần thúc đẩy một số địa phương khác tổ chức đường hoa xuân như lễ hội sắc hoa Đà Lạt hay đường hoa tết tại bến Ninh Kiều của TP Cần Thơ, đường hoa ở thủ đô Hà Nội…
Thậm chí, có người đã ví von, rồi một ngày không xa sẽ có một con đường hoa xuân nối dài đất nước, khởi đầu từ sáng kiến con đường hoa Nguyễn Huệ của TPHCM. Và khi ấy, “thương hiệu” mà từng người dân TPHCM phát huy và gìn giữ được, xứng đáng là kinh nghiệm quý để các địa phương tổ chức tốt đường hoa của mình.
H. HIỆP