Theo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013-2020, mục tiêu của chương trình là: Sản phẩm điện tử, viễn thông có sử dụng vi mạch được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam sẽ có giá trị gia tăng từ 15% - 30%; đến năm 2020, doanh thu của riêng ngành vi mạch điện tử sẽ đạt tối thiểu 120 triệu USD/năm; phát triển công nghiệp vi mạch điện tử trở thành tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TPHCM… Đến nay, nhìn lại chặng đường đã qua, “con đường” của ngành vi mạch không hề dễ dàng, nhất là quá trình thương mại hóa sản phẩm.
Bước đầu của con đường
Sau những thành công ban đầu với các thiết bị điện cung cấp cho Tổng Công ty Điện lực TPHCM như điện kế điện tử (1.000 bộ), thiết bị thu nhận chỉ số điện DCM (3.200 thiết bị)... thì chíp Việt SG - 8V1 từ Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đã khẳng định được giá trị của nó so với chíp ngoại nhập về chất lượng và giá thành. Hiện các thiết bị nói trên đang được triển khai và ứng dụng tại Điện lực Sơn La…
Không chỉ vậy, chíp SG - 8V1 đã được ứng dụng lên rất nhiều sản phẩm phục vụ đời sống xã hội như thiết bị giám sát hành trình, hệ thống quản lý có tích hợp công nghệ RFID, bộ điều khiển tiết kiệm công suất đèn đường, khóa container, thiết bị giám sát nguồn phóng xạ… phần nào cho thấy những giá trị ban đầu mà Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đã tạo ra. Cũng cần nói đến chíp 32-bit VN1632 phù hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là lĩnh vực cần độ bảo mật cao như an ninh, quốc phòng... Chíp này đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống điều khiển phức tạp, đòi hỏi tốc độ cao như điện thoại di động, mã hóa/giải mã dữ liệu, thiết bị truyền thông…
Thiết bị thu âm chỉ số điện DCM, một sản phẩm ứng dụng công nghệ chíp Việt đang được lắp đặt tại Sơn La
Song, thương mại hóa chíp Việt chỉ như mới đặt chân lên con đường… vì nhiều sản phẩm khác chưa được ứng dụng. Chẳng hạn, chíp Việt ứng dụng trong thiết bị giám sát nguồn phóng xạ đã được ứng dụng trên một số thiết bị chứa nguồn phóng xạ của TPHCM, nhưng để ứng dụng cho tất cả các thiết bị chứa nguồn phóng xạ trong cả nước thì không phải là chuyện chỉ cần chứng minh tính hiệu quả, thiết thực là xong. Ở đây vẫn còn những nút thắt cơ chế khiến cho sản phẩm thiết bị giám sát nguồn phóng xạ chưa thể thành một sản phẩm thương mại được ứng dụng rộng rãi. Ngay tại TPHCM đã công bố thương mại hóa chip và thiết bị RFID HF và cũng đã chứng minh những giá trị thiết thực về công nghệ cũng như giá thành… nhưng đến nay, vẫn chưa trở thành sản phẩm thương mại, cho dù thực tế nhu cầu xã hội rất lớn.
Đường phía trước chưa mở
Thực tế, nếu cả nước đều dùng các thiết bị điện ứng dụng chíp Việt như tại TPHCM thì đã tạo ra một thị trường rộng lớn cho sản phẩm vi mạch. Những người làm thương mại cho sản phẩm này nói rằng rất khó khi đưa sản phẩm Việt vào ngành này, vì luôn gặp phải những lý do để “bảo vệ” thiết bị ngoại nhập vốn “quen hơi, quen đường” cả chục năm nay…
Gầy đây nhất, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tổng mức đầu tư cho dự án là 262,7 tỷ đồng, chi phí quản lý vận hành trong 10 năm khoảng 321,1 tỷ đồng. Đến nay vẫn chưa thấy thông tin chính thức đơn vị nào sẽ triển khai thực hiện dự án. Trong dự án này, với việc TPHCM đã công bố thương mại hóa chip và thiết bị RFID thành công thì lẽ ra cần chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ Việt trong thẻ xe buýt điệt tử, hay các đầu đọc thẻ trên xe buýt… nhưng vẫn chưa thấy gì rõ ràng. Xa hơn, vé điện tử cho tuyến tàu điện của thành phố cũng là một thị trường cho sản phẩm vi mạch. Song chuyện này cũng không mấy hy vọng vì hệ thống này đang ứng dụng công nghệ của Nhật chứ không phải công nghệ Việt. Thực tế này cho thấy con đường thương mại hóa sản phẩm vi mạch vẫn chưa mở.
Mục tiêu đến năm 2020, doanh thu của riêng ngành vi mạch điện tử tối thiểu 120 triệu USD/năm sẽ khó mà đạt được nếu cứ loay hoay như hiện nay. Trên thực tế, ngành vi mạch TPHCM thiếu hẳn một cơ chế “ưu tiên dùng sản phẩm chíp Việt” để có cơ sở đi vào các dự án, công trình được thuận tiện hơn. Ngay cả mục tiêu của chương trình vi mạch TPHCM “sản phẩm điện tử, viễn thông có sử dụng vi mạch được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam sẽ có giá trị gia tăng từ 15% - 30%...” cũng khó mà đạt được, vì hiện nay gần như đã mất đi sự kết nối giữa các sản phẩm vi mạch TPHCM với doanh nghiệp. Từ khi Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM được thành lập đến nay, ngoài vài hội thảo xôm tụ lúc đầu thì trong 2 năm gần đây, không thấy có hoạt động nào…
Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có cú hích thực sự thì các sản phẩm vi mạch TPHCM dễ lâm vào tình trạng nghiên cứu rồi cất vào tủ, dù chíp Việt đang cố vùng vẫy bước ra khỏi ngăn kéo… |
BÁ TÂN