Thời điểm cuối năm cũng là thời điểm lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TPHCM tăng mạnh. Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị, lượng rác thải trung bình mỗi ngày tăng khoảng 15.000 tấn, hơn gấp đôi ngày thường (6.000 – 7.000 tấn rác/ngày). Điều đáng nói, trong số nhiều người dân đã và đang ý thức rất tốt việc để rác đúng nơi quy định thì vẫn còn nhiều người dân có thói quen xả rác bừa bãi ra đường.
Bất chấp những khẩu hiệu, băng rôn treo dọc đường phố kêu gọi mọi người có ý thức hơn trong việc xả rác: “Xin hãy bỏ rác vào thùng”... Bất chấp các cơ quan ban ngành đã có nhiều biện pháp tuyên truyền người dân thực hiện phân loại rác nguồn. Bất chấp việc các khu phố, phường, quận huyện lập các điểm đổ rác cũng như cắm các biển “cấm đổ rác” ở những khu vực được xác định ảnh hưởng đến môi trường sống khu dân cư… nhưng tình trạng xả rác bừa bãi vẫn không được cải thiện. Thậm chí, có những khu phố trưng bảng hiệu “Khu phố văn hóa” nhưng ngay dưới con đường dẫn vào khu phố rác vương vãi khắp nơi.
Tình trạng trên còn đặc biệt nghiêm trọng hơn khi vào những ngày cuối năm. Tại hầu hết các đường phố, công viên, bến xe, nhà ga, trường học và bệnh viện đều tràn ngập rác. Có lẽ với nhiều người, họ chỉ quan tâm đến việc nhà mình được sạch sẽ đón tết, còn đường phố có bẩn là chuyện của riêng ai đó. Những hành vi như ăn uống xong là quăng luôn rác xuống đường như ăn một cái bánh mì, uống một hộp sữa, uống chai nước nhiều người cũng bỏ luôn vỏ xuống đường là hình ảnh bắt gặp khá thường xuyên trên đường. Thậm chí, có những đoạn đường mà công nhân quét rác vừa dọn xong họ đã ném thẳng bịch rác xuống mà không cần biết những người làm vệ sinh kia sẽ nghĩ gì hoặc cảm thấy gì.
Đáng lo ngại thay, những hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu ý thức như vậy lại đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đường phố. Những người làm công việc vệ sinh đường phố - công việc vốn đã rất vất vả thường ngày thì những ngày cận tết họ càng phải lao động cật lực hơn. Họ không những phải làm tăng ca, tăng giờ mà còn phải tăng năng suất lao động lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Những ngày xuân là những ngày mỗi gia đình được đoàn tụ, chung vui đón tết bên gia đình nhưng với những người làm công tác vệ sinh thì tết của họ là ở trên đường phố. Họ đã và đang hy sinh niềm vui, niềm hạnh phúc của riêng gia đình mình để tạo nên niềm vui trọn vẹn cho hàng triệu gia đình khác. Vậy tại sao người dân, nhất là những người đang sống, học tập và lao động tại TP không góp một chút sức mình bỏ rác đúng nơi quy định để công việc của họ đỡ nhọc nhằn hơn, và để những người làm công tác vệ sinh được có thêm chút thời gian về chung vui tết của gia đình sau khi đã hoàn thành công việc của mình sớm hơn?
Minh Hải