(SGGP).- Đó là thông tin được nêu ra tại hội thảo “Diễn biến nguồn cung nguyên liệu gỗ năm 2017”, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 14-12, tại TPHCM.
Hiện rừng trồng trong nước chiếm 30% - 40% tổng lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là gỗ cao su và gỗ keo tràm. Thời gian qua, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thương nhân Trung Quốc đội lốt doanh nghiệp Việt Nam thu mua nguyên liệu gỗ khắp các vùng nguyên liệu như miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2015, lượng ván ghép, gỗ dùng trong xây dựng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 11.000m³, nhưng 9 tháng đầu năm 2016 đã lên đến 67.000m³. Điều này tạo ra nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Sản xuất đồ gỗ tại một cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Theo TS Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, chính sách đóng cửa rừng tự nhiên ở Trung Quốc vào năm 2017 là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các nước khác, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu hiệu quả. Tăng thuế xuất khẩu gỗ xẻ (không phân biệt quy cách) lên mức 20% thay vì 2% - 20%. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát của kiểm lâm, hải quan sở tại và chính quyền địa phương nhằm hạn chế thương nhân nước ngoài mua gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu.
CÔNG PHIÊN