Thương nhớ “Người anh Đất Thép”

Nhân ngày giỗ đầu Thủ tướng Phan Văn Khải (1 tháng 2 âm lịch - 6 tháng 3 dương lịch 2019), Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM đã phát hành ấn phẩm Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong cuốn sách quý này, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài viết Thương nhớ “Người anh Đất Thép”, thể hiện sự trân quý Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đồng chí Phan Văn Khải và đồng chí Nguyễn Minh Triết trong ngày sinh nhật cuối cùng của đồng chí Phan Văn Khải (25-12-2017)
Đồng chí Phan Văn Khải và đồng chí Nguyễn Minh Triết trong ngày sinh nhật cuối cùng của đồng chí Phan Văn Khải (25-12-2017)

LTS: Nhân ngày giỗ đầu Thủ tướng Phan Văn Khải (1 tháng 2 âm lịch - 6 tháng 3 dương lịch 2019), Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM đã phát hành ấn phẩm Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong cuốn sách quý này, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài viết Thương nhớ “Người anh Đất Thép”, thể hiện sự trân quý Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong khoảng thời gian 2 nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng chí Nguyễn Minh Triết là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Mối quan hệ giữa hai ông vừa là sự gắn bó của tình đồng chí, anh em, vừa là mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Qua những lần làm việc, đồng chí Nguyễn Minh Triết đã phát hiện những phẩm chất tinh hoa trong Thủ tướng Phan Văn Khải mà ông gọi là “Tố chất Phan Văn Khải”. Tố chất ấy đã được hun đúc trong sự tiếp thu, kế thừa và phát huy những giá trị tinh thần truyền thống trên mảnh đất quê hương Nam bộ - đó là chí can trường, lòng nhân ái, nghĩa cử hào hiệp và đức tính vị tha... Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài viết của đồng chí Nguyễn Minh Triết trong ấn phẩm tưởng nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải.

Năm tháng đi qua nhanh chóng. Từ khi anh Sáu Phan Văn Khải vĩnh biệt chúng ta, đến nay thấm thoắt đã tới ngày giỗ đầu. Quê anh Sáu và quê tôi cùng ở trên vùng đất lửa của khu “Tam giác sắt”, chỉ cách nhau có một con sông, một bến đò. Quê tôi ở bên này sông, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Còn quê anh Sáu ở bên kia sông, thuộc huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hồi còn bé, tôi đã theo mẹ tản cư sang ở xã Phú Hòa Đông thuộc Củ Chi, học suốt bậc tiểu học tại đây. Vì vậy, Củ Chi cũng thân thiết như là quê hương của tôi. Lúc anh Sáu còn sống, anh em chúng tôi thường qua lại để thăm nhau. Từ khi anh Sáu qua đời đến nay, mỗi lần đi ngang qua con đường rẽ vào nhà anh tại xã Tân Thông Hội, tôi thấy lòng xao xuyến bồi hồi vì sự thiếu vắng anh.

Người xưa đã nói, đại ý: Muốn đánh giá chính xác về một con người, khi nào người đó được đậy nắp quan tài. Câu nói ấy quả là chí lý. Song tôi lại nghĩ, ngay thuở bình sinh, bằng những dấu ấn tốt đẹp của anh Sáu để lại cho đời, cũng đủ để cho chúng ta phẩm bình con người, cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của anh.

Nhân ngày giỗ đầu anh Sáu, tôi đã được mời viết bài cho cuốn sách Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Viết bài về anh Sáu Phan Văn Khải, đối với tôi là một niềm vui. Vui vì lần theo cảm xúc của những dòng hồi ký, tôi sẽ được gặp lại anh trong những kỷ niệm ấm áp, thân thương. Thật ra, trong quá trình công tác lâu dài, tôi chưa làm việc chung với anh Sáu. Tôi cũng không phải là người cộng sự thân cận của anh. Tuy nhiên, cả anh và chị rất gần gũi, thân tình, đã để lại trong lòng tôi và gia đình tôi nhiều ấn tượng đẹp.

Tôi quý mến anh Sáu, trước hết vì anh là người ở lứa tuổi thuộc lớp đàn anh. Anh lớn hơn tôi gần một con giáp, anh còn có quá trình tham gia kháng chiến sớm hơn tôi. Anh là lớp “cán bộ mùa Thu” của 9 năm kháng chiến chống Pháp. Còn tôi thuộc thế hệ “cán bộ R” ở chiến khu Bắc Tây Ninh của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau cao trào Đồng Khởi. 

Tôi được tiếp cận với anh Sáu từ lúc anh công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong khoảng thời gian hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng của anh. Hồi đó, tôi là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, và sau này là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Mối quan hệ giữa anh và tôi vừa là mối quan hệ gắn bó của tình đồng chí, anh em, vừa là mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Mỗi khi về thăm Thành phố Hồ Chí Minh hoặc làm việc với Đảng bộ và cơ quan chính quyền Thành phố, tôi đều được tiếp xúc với anh. Nhờ qua những lần gặp gỡ này, tôi đã phát hiện ra những phẩm chất tinh hoa trong con người anh Sáu. Chúng ta có thể gọi đây là “tố chất Phan Văn Khải”. Tố chất ấy đã được hun đúc trong sự tiếp thu, kế thừa và phát huy những giá trị tinh thần truyền thống trên mảnh đất quê hương Nam bộ - đó là chí can trường, lòng nhân ái, nghĩa cử hào hiệp và đức tính vị tha.

Theo lời kể, tâm sự của anh những lúc thân tình: cách đây hơn 60 năm, trong năm đầu mới tập kết ra miền Bắc, anh được cử đi tham gia công tác giảm tô đợt 7 ở xã Cát Lại, một xã Công giáo lúc ấy thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Được tận mắt trông thấy cảnh sống thiếu đói của bà con nông dân, anh rất đau lòng. Thấy có bãi đất chừng 20ha không phải vụ lúa, để giải quyết cái đói trước mắt cho dân, anh huy động bà con nông dân mua dây khoai lang về trồng, có lá ăn lá, có củ ăn củ. Việc làm ấy của anh đã làm cho nhân dân địa phương rất xúc động. Sau này, Đoàn ủy cải cách ruộng đất tỉnh Hà Nam về kiểm tra, đã lập hồ sơ đề nghị tặng anh Sáu Khải Huân chương Lao động hạng ba.

Cũng theo lời kể của anh Sáu với thân nhân, bạn bè, trong những năm đầu khi mới làm Thủ tướng, anh đã từng tâm sự với anh Nguyễn Công Tạn (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp) rằng: “Cả anh và tôi đều xuất thân từ gia đình ở nông thôn. Chúng ta phải cố gắng phấn đấu để giúp cho bà con nông dân nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo”. Những năm tháng về nghỉ hưu tại quê nhà, anh Sáu đã ra sức hỗ trợ cho Đảng bộ và nhân dân xã Tân Thông Hội xây dựng trường học; lập quỹ học bổng để khuyến học, khuyến tài; chỉnh trang, nâng cấp và đổi mới cơ sở hạ tầng ở nông thôn; bảo tồn và tôn tạo các ngôi đình miếu cổ để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tâm linh quần chúng. Lòng nhân ái của anh Sáu Khải bắt nguồn từ tư tưởng “thương dân”, “vì dân” và “dân là gốc” của Bác Hồ.

Anh Sáu còn có tình thương yêu sâu sắc đối với cán bộ và hết sức quan tâm chăm sóc đồng chí, bạn bè. Anh là một con người tình nghĩa, biết chia sẻ, biết cảm thông. Lúc còn tại chức cũng như sau khi trở về giữa cuộc sống đời thường, anh Sáu từng giúp cho nhiều người vượt qua những khó khăn cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Tôi biết có rất nhiều người đã từng chịu ơn anh, trong số đó có tôi. Nhớ lại thời gian trước đây khi tôi lâm bệnh nặng, anh đã ân cần hỏi han chăm sóc, cho thuốc men và tận tình giúp đỡ tôi trị bệnh. Công ơn ấy, nghĩa tình ấy, tôi giữ mãi trong lòng.

Tôi còn được tiếp thu ở anh Sáu bài học quý giá về tình nghĩa thủy chung, về đạo lý biết trân trọng, biết tri ân, biết đền ơn đáp nghĩa đối với lớp người đi trước. Tôi nể trọng anh trong cách cư xử và thể hiện tình cảm sâu nặng đối với những người đã dày công khai sơn phá thạch ở tỉnh Gia Định, Gia Định Ninh - quê hương anh, như: chú Bảy - Phạm Văn Chiêu, chú Ba - Thiếu tướng Tô Ký… Mấy năm trước đây, tôi được đọc hai bài viết của anh Sáu Khải đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ - nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (thời kỳ kháng chiến chống Pháp), nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Phạm Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn kháng chiến chống Mỹ), nguyên Thủ tướng Chính phủ. Tuy là người có chức trọng quyền cao, đã nhiều năm làm Phó Thủ tướng và Thủ tướng, song khi viết về hai bậc đàn anh lớp người đi trước, anh Sáu đã thể hiện tình cảm “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần tôn sư trọng đạo sâu sắc.

Anh Sáu còn là một “lãnh tụ của quần chúng”. Anh sống sát nhân dân, hòa đồng với cán bộ, là người dễ gần, dễ xáp. Những lúc vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để đi gặp gỡ nhân dân và thăm viếng bạn bè. Lắm lúc chúng tôi ngồi nói chuyện bù khú với anh bên bình trà. Đôi khi anh chị còn chơi với anh em chúng tôi vài ván tú-lơ-khơ trong những phút giây thư giãn.

Con người anh Sáu hiền lành, nhân hậu. Trong khi giao tiếp với mọi người và xử lý công việc với cấp dưới, anh có thái độ tế nhị, nhẹ nhàng, không bao giờ phô trương quyền lực và cũng chẳng khi nào la mắng, quát nạt ai. Anh rất nghiêm khắc trước những sai sót, lỗi lầm của cấp dưới, nhưng anh không thích dùng phương pháp “đao to búa lớn”, “to tiếng nặng lời”. Anh luôn chủ trương giáo dục, thuyết phục và cảm hóa con người.

Mỗi lần gặp anh Sáu tôi lại nhớ đến anh Năm Lê Khả Phiêu, nhớ tới những tình cảm mà anh đã dành cho chúng tôi mỗi khi anh có dịp vào Nam. Tôi không thể nào quên mới hồi tháng 12 năm trước, tôi đã tổ chức cuộc gặp mặt thân tình có nhiều đồng chí, bạn bè tới dự mừng sinh nhật anh Năm và anh Sáu. Vì cả hai anh đều kỷ niệm ngày sinh trong tháng 12 dương lịch, chỉ cách nhau có hai ngày. Hôm ấy thật là vui vầy, ấm áp. Chúng tôi cùng nhau đi ca nô trên sông Sài Gòn lên thăm đền Bến Dược (Củ Chi), thắp nhang các anh hùng liệt sĩ, rồi quay về tổ chức mừng sinh nhật anh.

Nào có ai ngờ, sau buổi hàn huyên không thể nào quên đó, anh Sáu đã lâm bệnh nặng rồi đột ngột vĩnh biệt cuộc đời này. Nhớ tới anh lòng tôi xốn xang đau buốt.

Anh Sáu ơi, em viết mấy dòng này như thắp nén hương thơm để nghiêng mình tưởng nhớ anh - Người anh Đất Thép.

NGUYỄN MINH TRIẾT
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tin cùng chuyên mục