Giữa học kỳ 2, bị kiểm tra đồ dùng học tập, sách vở đột xuất, một số học sinh lớp 8 ở một trường THCS quên không mang theo cuốn vở làm bài tập môn Văn ở nhà và bị ghi tên vào sổ đầu bài.
Đến giờ sinh hoạt lớp, các em có sai phạm này nhận được tuyên bố hùng hồn của giáo viên chủ nhiệm là “sẽ hạ một bậc hạnh kiểm”. Cho rằng sai phạm này không lớn, chỉ cần nhắc nhở để không tái phạm, học sinh không chỉ phản ứng trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm mà mang cục ấm ức này về kể với cha mẹ mình. Các em cho rằng, giáo viên chủ nhiệm thiếu công tâm, thích xử phạt mà không xem xét các mặt ưu điểm, nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp, của trường, học giỏi đều các môn...
Học sinh dễ dao động, phát sinh chán nản khi bị thầy cô đối xử thiếu kỹ năng sư phạm
Thấy con em mình bức xúc, một số phụ huynh đã đến gặp thầy chủ nhiệm để tìm hiểu sự việc và bàn luận về hình phạt mà thầy nêu ra. Thầy giải thích và nêu quan điểm “cần phải rèn luyện các em chấp hành kỷ luật, tôn trọng các quy định của nhà trường”. Tuy nhiên, thầy vẫn cho các em cơ hội sửa sai và đến cuối năm sẽ xem xét, quyết định việc có hạ một bậc hạnh kiểm như tuyên bố hay không”. Dù hiểu ý thầy là “giơ cao đánh khẽ” và tuyên bố thế mà chưa hẳn đã áp dụng”, nhưng phụ huynh không đồng tình với biện pháp giáo dục nặng tính “hù dọa”, gây mất tinh thần học trò của thầy chủ nhiệm. Với học sinh ở lứa tuổi teen rất dễ bị kích động, các em không chỉ phản kháng vì cách hành xử thiếu công tâm của người lớn mà dễ dao động, phát sinh chán nản, kể cả xuống tinh thần học tập. Như thế, thầy giáo chủ nhiệm đã chủ quan áp đặt suy nghĩ của mình mà không thấu hiểu, sẻ chia với các em.
Câu chuyện trên đây không phải cá biệt và ở nhiều trường học, vẫn có không ít giáo viên chủ nhiệm, bộ môn hay cho mình cái quyền ra oai, hù dọa học sinh bằng việc hạ bậc hạnh kiểm hoặc cố tình cho điểm thấp, thiên vị, ác cảm với trò…
Riêng với những lỗi lầm, sai phạm không lớn và học trò hay mắc phải như đi học trễ, quên mang tập vở, mang đồ ăn vào lớp học, sử dụng điện thoại, nói chuyện trong giờ học… mà bị “hù dọa” hạ một bậc hạnh kiểm thì có đáng hay không? Thay vì mở hướng cho các em nhận ra sai phạm, tự sửa chữa, khắc phục, nhiều thầy cô lại lớn tiếng răn đe, đòi áp dụng các hình thức kỷ luật nặng. Đây là cách hành xử cứng nhắc, thiếu kỹ năng sư phạm và nó dễ tạo tâm lý bức xúc, hành động phản kháng của học sinh, kể cả hành vi bạo lực, vì không được người lớn tôn trọng, lắng nghe. Thay vì chỉ thực hiện một chiều việc “trừ điểm” - xử phạt học trò phạm lỗi, làm mất điểm thi đua, thành tích của lớp, nhiều giáo viên chủ nhiệm giỏi, có kinh nghiệm đã đưa ra sáng kiến “cộng điểm” - khuyến khích học sinh làm việc tốt, có hành động đẹp. Như thế, biện pháp có khen, có chê - có thưởng, có phạt công minh ở môi trường học đường sẽ khiến học sinh giảm bớt bức xúc và thực sự tâm phục, khẩu phục thầy cô. Còn việc hù dọa, lấy quyền đứng lớp để hành xử thiếu công minh, kể cả cho điểm số thiên vị… sẽ khiến các em chán nản, không tin vào người lớn và những điều tốt đẹp trong cuộc sống
HÀ KHÁNH