Đọc thông tin trên báo chí về nơi này, nơi nọ thưởng tết cho người lao động với mức thưởng từ vài triệu đến cả chục triệu đồng hoặc cao hơn, nhiều nhà giáo như tôi cảm thấy chạnh lòng. Tết năm ngoái, là giáo viên tiểu học ở một trường nội thành TPHCM, cộng hết các khoản tiền gọi là quà tết, mỗi giáo viên nhận khoảng 1 triệu đồng. Tôi nghe nói, ở một số trường khác, nhờ sự năng động của ban giám hiệu, chủ động tìm nguồn chăm lo cho giáo viên nên các đồng nghiệp được nhận quà tết cao hơn, khoảng 2 triệu đồng/người.
Ngoại trừ những nhà giáo có thêm thu nhập từ nguồn dạy thêm ngoài giờ, đa phần giáo viên đều phải duy trì cuộc sống một cách chật vật vì đồng lương ít ỏi, không thể tích lũy. Tổng thu nhập, kể cả dạy thêm, phụ cấp của những người có thâm niên dạy học cũng chỉ trên 4 triệu đồng. Nhiều năm đứng lớp, gắn bó với bục giảng, chúng tôi yêu nghề và chọn nghề thanh bạch nên không dám lạm bàn, so sánh về mặt bằng tiền lương, tiền thưởng ngày càng tăng ngoài xã hội.
Ai cũng hiểu tiền thưởng tết cao hay thấp phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của từng công ty, đơn vị. Doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả, doanh thu cao, lợi nhuận cao sẽ nộp thuế cao. Nguồn thu ngân sách của Nhà nước sẽ được điều tiết để đầu tư phát triển và phân chia cho toàn xã hội một cách công bằng. Vậy tại sao nhà giáo cũng làm hết chức trách, hoàn thành tốt công việc được giao, học sinh lên lớp 100%, tỷ lệ học sinh giỏi cao hơn năm trước… nhưng hết năm cũng không được hưởng “tháng lương thứ 13” như mọi người lao động ở những ngành nghề khác?
Thực tế cho thấy, xung quanh chuyện thưởng tết đối với giáo viên cũng có nhiều cung bậc khác nhau. Nếu như giáo viên ở các TP lớn ít nhiều còn có chút quà tết của chính quyền, đại diện hội phụ huynh và quỹ phúc lợi của nhà trường, ở những vùng sâu vùng xa, những địa phương khó khăn, nhiều nhà giáo còn chưa nhận đủ tiền lương, tiền phụ cấp, nói chi đến quà tết!
Thôi thì nhà giáo chúng tôi tự nhủ với nhau là phải biết kiềm chế, giảm bớt những nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, tiêu xài vào dịp năm hết tết đến để giữ đúng nghĩa sống thanh bạch vậy! Để mỗi nhà giáo làm tròn trọng trách cao cả trồng người, gắn bó với bục giảng, truyền đạt kiến thức cho học sinh mà không bị dao động, phân tâm vì nỗi lo cơm áo, gạo tiền, tôi mong Nhà nước, Chính phủ, ngành giáo dục hãy quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo - những người lao động tạo ra giá trị gia tăng lâu dài và bền vững cho xã hội. Điều này không thể tính đúng, tính đủ như cách tính về lợi nhuận, doanh thu của các đơn vị sản xuất kinh doanh.