Nghe tin đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiên tai lũ lụt, từ ngày 21 đến 23-11, Thành ủy, Ủy ban MTTQ TPHCM đã tổ chức ngay đoàn cứu trợ do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đến Bình Định và Quảng Ngãi (địa phương bị thiệt hại nặng nhất do cơn lũ lịch sử gây ra) nhằm chia sẻ, động viên và trao quà cứu trợ kịp thời cho đồng bào khắc phục khó khăn, ổn định đời sống…
Đoàn cứu trợ TPHCM bay ra tới tỉnh Bình Định khi trời vừa nhá nhem tối, đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ra tận sân bay Phù Cát đón đoàn. Đồng chí xiết chặt tay từng người trong đoàn và không khỏi xúc động trước tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân TP mang tên Bác đã dành cho đồng bào tỉnh Bình Định. Để đến với dân sớm nhất, đoàn cứu trợ TP tiếp tục theo đường bộ đến thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định để trực tiếp thăm hỏi, tặng quà 200 hộ dân nơi đây. Thấy đoàn cứu trợ đến, bà con vùng lũ cứ rưng rưng: “Nghe tin đoàn cứu trợ TPHCM đến với người dân vùng lũ, suốt đêm qua chúng tôi không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng…”. Thương nhất là những người già, trẻ em từ xa lặn lội đến đây từ rất sớm để đón đoàn. Bà Hồ Thị Lan ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định nghẹn ngào: “Nhà tôi bị sập đổ hoàn toàn, đồ đạc bị lũ cuốn trôi sạch. Nhờ món quà cứu trợ sâu nặng nghĩa tình này, gia đình tôi tạm no lòng trong những ngày sắp tới. Tôi không sao nói hết lòng biết ơn trước nghĩa cử “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của đồng bào TPHCM…”.
Sau khi trao quà cho hàng trăm hộ dân, dù trời đã tối mịt, đường sá lầy lội khó đi nhưng đoàn cứu trợ TPHCM vẫn tranh thủ đến thăm gia đình anh Mạch Lê Tuấn Khoa (ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) có vợ và con trai bị lũ cuốn trôi. Trong không khí đau thương, bà Nguyễn Thị Lê, 68 tuổi (mẹ anh Khoa) nói: “Tôi sống từng này tuổi, chưa từng thấy cơn lũ nào lớn đến vậy. Do lũ đến quá bất ngờ, cuốn trôi con cháu tôi, để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi…”.
Thắp nén nhang cho người quá cố, cả đoàn không ai cầm được nước mắt, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà xúc động trao 10 triệu đồng cho gia đình anh Khoa và dặn anh cố gắng thay vợ nuôi dạy hai con nhỏ còn lại. Tại tỉnh Bình Định, có tới 19 người chết do lũ cuốn trôi, không thể kể hết những cái chết thương tâm của từng người, chỉ biết rằng sự chia sẻ, động viên kịp thời đã góp phần xoa dịu nỗi đau của người dân. Sau “cơn đại hồng thủy”, ngoài mất mát về người, tỉnh Bình Định còn thiệt hại tài sản ước tính lên gần 2.000 tỷ đồng. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và đồng bào TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà đã trao 3 tỷ đồng cho lãnh đạo tỉnh Bình Định để chăm lo đời sống người dân vùng lũ.
Sáng sớm hôm sau, đoàn cứu trợ TPHCM lại tiếp tục lao nhanh đến 2 xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức và Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi để thăm hỏi, tặng quà cho 200 hộ dân vùng lũ. Dọc hai bên đường, vết nước lũ vẫn còn in đậm trên từng căn nhà, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dù cơn lũ đã rút đi nhưng hậu quả để lại thật nặng nề khiến cuộc sống của người dân vùng lũ càng thêm khó khăn chồng chất.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, xót xa: “Toàn tỉnh có 285.000 ngôi nhà bị chìm trong biển nước; hàng ngàn gia súc, gia cầm chết trôi trắng đồng; hàng ngàn hộ dân lâm cảnh màn trời chiếu đất, nhiều doanh nghiệp bị trắng tay, toàn tỉnh ước tính thiệt hại hơn 1.700 tỷ đồng…”. Không để đồng bào vùng lũ đói khổ, tỉnh Quảng Ngãi đã vận động Ngân hàng ViettinBank ủng hộ 2.000 tấn gạo và kiến nghị Chính phủ chi viện 1.000 tấn gạo để đảm bảo lương thực cho dân từ nay đến qua tết. Đối với những hộ dân bị cuốn trôi nhà ở, tỉnh giúp mỗi hộ từ 17 - 25 triệu đồng để xây dựng lại nhà cửa. Riêng TPHCM ủng hộ tỉnh Quảng Ngãi 3,5 tỷ đồng, Thành đoàn TPHCM cũng bay ra ủng hộ 600 triệu đồng cùng nhiều lương thực, quần áo, thuốc men khác.
Đồng chí Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Toàn tỉnh vừa hoàn thành việc sơ tán 30.000 hộ dân với hơn 150.000 người đi tránh cơn bão số 14, khi bà con vừa trở về nhà thì cơn lũ lớn bất ngờ ập đến gây hậu quả khôn lường. Trong lúc khó khăn nhất, TPHCM đã đến từ sớm để giúp người dân vùng lũ khắc phục khó khăn…”.
Với tấm lòng vì đồng bào miền Trung ruột thịt, đoàn cứu trợ TP đã không quản vất vả để đến thăm nhiều gia đình chính sách và dân nghèo, trong đó có gia đình bà Lý Thị Chế, 70 tuổi ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Sen, phóng viên Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bị chết trên đường công tác để lại đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Đi đến đâu đoàn cũng gặp những ánh mắt tha thiết và biết ơn, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: “Giúp đỡ đồng bào miền Trung là tình thương và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP mang tên Bác, mong rằng bà con miền Trung sớm ổn định đời sống…”.
MINH NGỌC