Thủy điện nhỏ chứa nhiều ẩn họa

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến hiện tại, trên cả nước đang có 385 hồ thủy điện lớn nhỏ với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m³ nước, chiếm 86% dung tích hồ chứa trên cả nước.
Đập thủy điện Hòa Bình trên sông Đà khi xả lũ
Đập thủy điện Hòa Bình trên sông Đà khi xả lũ

Kinh nghiệm lẫn năng lực xây dựng còn hạn chế

Theo ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) thì hiện có 278 đập thủy điện, hồ chứa thủy điện có dung tích từ 50.000m³ trở lên hoặc đập có chiều cao từ 5m trở lên đã được chủ đầu tư đăng ký an toàn đập và tiến hành kiểm tra định kỳ, báo cáo hiện trạng tới cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. 254 chủ đập trong số này đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, Bộ Công thương mới phê duyệt 80 trong tổng số 85 phương án. Còn về phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập, hiện mới có 222 trong tổng số 278 đập đã hoàn thiện, được phê duyệt; còn lại 56 đập đang được chủ đầu tư thực hiện. 

Theo ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình thủy điện: Đối với các dự án thủy điện cỡ vừa trở lên thì đều có thể khá yên tâm. Nhưng lo ngại nhất là những công trình thủy điện nhỏ, chủ yếu là đập đất, được xây từ hơn chục năm trở về trước, do địa phương quản lý. Lý do là với các thủy điện nhỏ, kinh nghiệm lẫn năng lực xây dựng còn hạn chế. Khâu quan trọng nhất là khảo sát thì lại thường bị chủ đầu tư bỏ qua để tiết kiệm tối đa chi phí. Ngoài ra, không phải công trình nào cũng được đơn vị tư vấn nghiêm túc, nhiều chủ đập làm theo kiểu đối phó, thuê những đơn vị thiếu kinh nghiệm. 

Theo các chuyên gia về thủy điện, ngay cả thủy điện cỡ lớn như Sepien Senamnoy ở Lào với dung tích chứa tới 1,3 tỷ m³ (thời điểm xảy ra sự cố mới tích được 500 triệu m³) còn bị vỡ huống chi các thủy điện nhỏ không được khảo sát, thi công theo đúng tiêu chuẩn. Tại Việt Nam, vỡ đập thủy điện đã từng xảy ra, như vụ vỡ thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị) năm 2012, rồi vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) năm 2014 do hậu quả của việc tiết kiệm chi phí xây dựng và đơn vị tư vấn yếu kém.

Kịch bản nào để tránh thảm họa?

Sau khi xảy ra vụ vỡ đập kinh hoàng tại Lào, nhiều người dân không khỏi lo sợ trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng nếu vỡ đập thủy điện Sơn La, Hòa Bình (trên sông Đà) thì Hà Nội sẽ ngập sâu dưới 30m nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đó chỉ là những thông tin cảm tính, không dựa trên cơ sở khoa học. Các chuyên gia đã xác nhận, đồng bằng sông Hồng có diện tích là 16.000km2, nếu có 16 tỷ m³ nước thì cũng chỉ ngập sâu 1m, trong khi dung tích của hồ Hòa Bình tối đa chỉ có hơn 9 tỷ m³. 

Mặc dù không đến mức khủng khiếp như lời đồn nhưng khi có sự cố xảy ra thì vẫn gây ra rất nhiều thiệt hại. Theo ông Nguyễn Tài Sơn, kịch bản vỡ đập thủy điện có nhiều cấp độ, hầu hết các thủy điện đều đã có nhưng lên phương án diễn tập ứng phó chi tiết thì chỉ vài năm gần đây mới được xây dựng. Tuy nhiên, việc phân tích chi tiết rủi ro, từ đó đưa ra kịch bản về thảm họa và hướng dẫn các địa phương cảnh báo cần khoản kinh phí rất lớn. Hiện có khoảng 50% các lưu vực có các công trình thủy điện lớn đã và đang được bố trí kinh phí xây dựng kịch bản. Nhưng ông Sơn cho rằng, ngay chính tại các thủy điện nhỏ, việc công khai lợi ích đi kèm với rủi ro cũng rất cần thiết.  

Đến nay, công cụ pháp lý cũng như biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn hồ đập tại Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh. Chính phủ đã ban hành nghị định về an toàn đập được sửa đổi, yêu cầu tất cả các dự án thủy điện đều phải thực hiện đầy đủ các khâu từ khảo sát thi công tới quản lý vận hành. Đối với những đập thủy điện nhỏ, các địa phương phải thực hiện đánh giá an toàn xem có đảm bảo hay không, nếu không lập tức ngừng không cho tích nước, yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung, gia cố. Cũng theo quy định, tất cả các dự án thủy điện trước mùa mưa bão đều phải bắt buộc có đánh giá về an toàn hồ đập. 

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - thủy văn (Bộ Tài nguyên - Môi trường), liên quan tới vận hành liên hồ chứa và theo dõi giám sát mực nước, lưu lượng lũ tại các hồ thủy điện… hiện có nhiều cơ quan cùng tham gia quan trắc, chứ không riêng các trạm khí tượng - thủy văn của Bộ Tài Nguyên - Môi Trường. Thông thường sự cố hồ đập xảy ra khi có mưa lũ lớn nhưng theo nhiều chuyên gia, khó khăn nhất hiện nay ở nước ta là không dự báo chính xác được tình hình lưu lượng mưa lũ để điều tiết đóng - xả một cách nhịp nhàng, chính xác.

5 thủy điện lớn trên sông Đà đảm bảo an toàn

Trước tình hình mưa lũ ngày càng dữ dội, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vừa qua, Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ về an toàn hệ thống thủy điện đã họp tại tỉnh Sơn La để đánh giá về tình trạng an toàn của các thủy điện bậc thang trên sông Đà. 

Tại cuộc họp này, hội đồng tư vấn khẳng định các nhà máy thủy điện bậc thang trên sông Đà (gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát) đủ điều kiện chống lũ và tích nước năm 2018. Kết quả quan trắc, đo đạc cho thấy các công trình đang vận hành an toàn và ổn định. Công tác phòng chống bão lũ năm nay được chuẩn bị chu đáo, tuân thủ đúng quy định và đủ điều kiện chống lũ và tích nước năm 2018. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đề nghị Bộ TN-MT xem xét triển khai hệ thống quan trắc mưa tự động; hướng dẫn việc xây dựng các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực sông Đà để nâng cao chất lượng dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong quá trình quản lý vận hành; đồng thời cần xây dựng các phương án dự báo lũ lớn trong điều kiện không có đầy đủ thông tin về chế độ vận hành của các hồ chứa từ Trung Quốc. 

Bộ Công thương cần giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng thí điểm trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang sông Đà trong năm 2018.

Tin cùng chuyên mục