“Tiếc nuối” vì không huy động được nguồn lực tư nhân cho đường cao tốc

Nhất trí với phương thức đầu tư công hoàn toàn để đẩy nhanh tiến độ, nhưng theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), giải pháp này là “cực chẳng đã”. 
ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)
ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)

Chiều 10-1, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án, coi đây là cú hích thu hút đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm. ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhấn mạnh, dự án sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng nói chung và chỉ số kết nối hạ tầng cơ sở giao thông quốc gia nói riêng và đây chính là một yếu tố góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhất trí với phương thức đầu tư công hoàn toàn để đẩy nhanh tiến độ, nhưng theo ĐB Lộc, giải pháp này là “cực chẳng đã”. Cho biết mình cảm thấy “hụt hẫng, tiếc nuối” vì dự án không có được sự chung  tay của khu vực tư nhân vì chưa tìm đc điểm hài hoà lợi ích giữa các bên, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp lý để khơi dòng đầu tư xã hội.

Có quan điểm tương  đồng, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định, dùng vốn đầu tư công thì tiến độ thực hiện nhanh hơn, nhưng cần phân tích vì sao có 4 dự án có khả năng làm PPP mà cuối cùng vẫn không làm được. ĐB “hiến kế” tách riêng giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án riêng. “Tách GPMB ra sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc phần đầu tư trong  dự án không còn do nhà nước nắm phần chi phối, hấp dẫn nhà đầu tư hơn... Băn khoăn về hiệu quả của cơ chế nhượng quyền thu phí được đề xuất, ông nói: “Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ là chưa có cơ chế nhượng quyền, nhưng nếu có thì thu trong 10 năm cũng không đủ bù tiền nhà nước bỏ ra. Nên chăng chuyển vốn sang Ngân hàng Đầu  tư và Phát triển Việt Nam để cho nhà đầu tư vay. Nhà đầu tư tư nhân tự đầu tư, vận hành, thu phí hiệu quả hơn nhiều so với việc nhà nước đầu tư rồi nhượng quyền thu phí”.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) hiến kế tách giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng, giao địa phương làm chủ đầu tư . Ảnh: QUANG PHÚC 

ĐB Hoàng Văn Cường cũng phân tích về suất đầu tư của dự án (Bộ GTVT tính toán là 175,4 tỷ đồng/km chưa bao gồm chi phí GPMB; trong khi Kiểm toán Nhà nước tính toán là 152,9 tỷ đồng/km giảm khoảng 16.000 tỷ đồng toàn dự án - PV) và yêu cầu rà soát, minh bạch cơ cấu chi phí để xác định hiệu quả của dự án, nhất là khi đã cho áp dụng cơ chế chỉ định thầu.

Nhiều ĐB khác cũng bày tỏ quan tâm đến công tác GPMB. ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị giao các địa phương làm chủ đầu tư GPMB bằng những dự án độc lập, đồng thời cho áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện công tác tái định cư, GPMB, nếu không “với quy trình hiện nay thì các dự án GPMB cũng hết hàng năm trời, không  thể hoàn thành đúng tiến độ”.

Tin cùng chuyên mục