Tiếc thương nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan

Tiếc thương nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan là thành viên trụ cột của Trung tâm Nghiên cứu Huế - một tổ chức nghiên cứu khoa học có uy tín ở Huế, do người bạn thân của ông là nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan chủ trì.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan giới thiệu những cổ vật trục vớt từ sông Hương

Ngót 40 năm qua, ông tự sưu tầm cho mình vô số những cổ vật về văn hóa, lịch sử tại Thừa Thiên - Huế và các tỉnh thành lân cận. Đặc biệt có những bộ sưu tập cổ vật độc đáo và quý hiếm được tìm thấy từ đáy sông Hương có niên đại hàng ngàn năm. Trong đó, từ những cái vò gốm cổ của những cư dân rất xưa, người Chăm hay của những con tàu phương xa, cho đến đồ sứ, đồ sành, đất nung, cái còn nguyên, cái chỉ là mảnh vỡ với muôn vàn dáng vóc, họa tiết, rồi có cả xương cốt của người lẫn động vật và các đồ kim loại của thời hiện đại, có cả súng ống, tạc đạn...

Bộ sưu tầm cổ vật của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan tạm chia thành các loại chính: Đồ Chăm qua các thời kỳ, đồ Việt từ thế kỷ 14 đến nay, đồ Trung Quốc; đồ gốm, với những lu, kiệu, mái, lọ, hũ, bình vôi, chén, đĩa... là hình ảnh rất quen thuộc, không thể thiếu và gắn bó chặt chẽ với mỗi gia đình người Việt từ hoàng tộc cho đến cùng đinh; từ sinh, lão, bệnh, tử cho đến quan, hôn, tang, tế, ẩm thực...

Ngoài sưu tầm đồ cổ, hiếm có người nào mê sách như ông. Ông có cả một kho thư tịch đồ sộ với trên 10.000 đầu sách. Đặc biệt khi chủ quyền biển đảo bị xâm phạm, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan không chỉ tiên phong ủng hộ bằng tiền mặt cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” mà còn nỗ lực sưu tầm những tài liệu quý hiếm khẳng định chân lý chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông từng bảo: “Đất nước như là nhà của mình, nhà mình bị người ta xâm phạm thì mình phải tìm mọi cách giữ nhà. Chuyện đó là bình thường, là nghĩa vụ thiêng liêng”. Tháng 5-2015, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã hiến tặng cho Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) bản sao bộ Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn do Đại học Keio (Nhật Bản) thực hiện. Đây là bộ Đại Nam thực lục được Trường Đại học Keio sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản công phu, diễn ra ròng rã từ năm 1961 - 1981.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13 giờ 11 phút trưa 14-2 tại nhà riêng ở Huế, sau một thời gian lâm bệnh, hưởng thọ 77 tuổi. Sự ra đi của ông là bình thường theo quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Song đối với giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế nói riêng và người dân Huế nói chung là một sự tiếc nuối và mất mát vô cùng to lớn. Đối với Báo SGGP, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan là một cộng tác viên nhiệt tình của báo trong việc cung cấp đề tài, tư liệu và phát ngôn những vấn đề gay cấn của văn hóa Huế.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục