Tiệm hớt tóc tình thương

- Chiều nay ghé bờ kè hớt tóc hông mậy?
- Cái chỗ miễn phí đó hả?
- Ừ!
Tôi vô tình nghe được mẩu hội thoại của 2 chú xe ôm trong lúc kẹt xe…
Không gian cắt tóc miễn phí
Không gian cắt tóc miễn phí
 Miễn phí, chất lượng cao
“Chỗ hớt tóc miễn phí hả cháu? Ở bên kia kìa”. Theo hướng chỉ của cô bán nước mía trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TPHCM), tôi nhìn sang bên đường, đối diện Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng. Một mái hiên được dựng sẵn với dòng chữ “Câu lạc bộ cắt tóc miễn phí vì cộng đồng”. Tìm hiểu thì được biết, từ tháng 4-2017 đến nay, luôn có một nhóm bạn trẻ cứ chiều chiều lại đến đây hớt tóc người dân miễn phí.
Khoảng 3 giờ chiều, tại nơi bãi đất trống vang lên tiếng nhạc xen lẫn những tiếng kéo lách cách, tiếng tông-đơ rồ rồ. Biết nơi này qua lời kể của người bạn, nhưng tôi vẫn muốn một lần được tận mắt quan sát cái “salon” đặc biệt này. Thấy tôi bước vào, một anh thợ tươi cười niềm nở: “Anh ngồi ghế chơi chờ xíu, xong chú này rồi tới anh liền”…
Được thành lập và phát triển bởi các thành viên của Câu lạc bộ Stylist 4 Men, “Câu lạc bộ cắt tóc miễn phí vì cộng đồng” là nơi phục vụ những khách hàng có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời cũng là nơi để các bạn trẻ học nghề có cơ hội được rèn luyện, nâng cao tay nghề.
Ngồi một lúc thì có thêm 2 - 3 xe gắn máy dừng lại. Có 3 người đàn ông đến để hớt tóc, 2 trong số đó là tài xế xe ôm và người còn lại là một công nhân xây dựng. Họ được đón tiếp rất chu đáo và ân cần tư vấn chọn kiểu tóc sao cho hợp khuôn mặt. Điều làm tôi ngạc nhiên là dù miễn phí nhưng chất lượng ở đây không hề thua kém ở những salon làm tóc. Vầng trán đầy mồ hôi, những đôi tay tỉ mỉ, những khuôn miệng hài lòng là những gì tôi quan sát được.
Anh Nguyễn Hoàng Phương (23 tuổi, trưởng nhóm hớt tóc miễn phí) tâm sự, ban đầu khi thành lập nhóm chỉ có 10 thành viên và đều là những thợ giỏi nghề. Dần dần, nhóm thu hút được các bạn trẻ có đam mê với nghề cắt và tạo mẫu tóc nên số lượng thành viên ngày một tăng.
“Mấy bạn ra đây làm đa số đã tốt nghiệp khóa cơ bản. Vì Stylist 4 Men là trung tâm đào tạo nghề, mấy bạn này thường đã được dạy rất kỹ mới được ra đây “thực hành”. Nhóm mình hoạt động từ tháng 4 năm ngoái, tính tới giờ đã hơn 1 năm. Mấy bạn hiện giờ là tốp thứ 33 rồi”, anh Phương kể.
Câu lạc bộ luôn luôn có những thành viên mới nên lửa đam mê và tinh thần thiện nguyện là không bao giờ thiếu. Hồi trước chỉ có 1, giờ được 5 địa điểm hớt tóc miễn phí. Mấy anh em muốn được hớt tóc, muốn được giúp đỡ mọi người nhiều hơn nữa.
Tôi hỏi: “Cắt miễn phí như vậy thì nhóm mình nhận lại được gì?”. Anh Phương cười: “Nhìn thấy người ta vui với mái tóc mới thì bản thân mình là người thợ cũng thấy vui lây. Điều đó đủ để chứng tỏ bản thân của mình với nghề, đủ để biết mình có khả năng theo đuổi tiếp đam mê hay không. Với lại, mình hớt đẹp còn được người ta thích, người ta thương. Tôi thấy nhận lại vậy là đủ”.
Phí duy trì của câu lạc bộ đến từ một “quỹ từ thiện”. Nguồn quỹ này chủ yếu là do bà con gần xa và do những khách hàng hảo tâm quyên góp. Quỹ được sử dụng để chi trả tiền điện cũng như phí sinh hoạt của anh em trong nhóm. Còn dụng cụ, thuốc tóc, keo xịt…, đều do chính câu lạc bộ tự bỏ tiền ra để mua. Anh Hoàng Phương cho biết thêm: “Có dư dả thì anh em làm ly nước mía hay ổ bánh mì để bụng…”.
Tiệm hớt tóc tình thương ảnh 1 Anh Vũ chăm chút khách hàng đầu tiên của mình
Tôi gặp một người thợ vừa mới đến thực tập vào ngày hôm đó. Anh tên Vũ, năm nay 20 tuổi, là người thành phố, học nghề được hơn một năm rưỡi. Dù đã được đào tạo bài bản, anh Vũ vẫn không giấu được nét lo âu khi lần đầu tự tay cắt tóc khách. Anh chậm rãi vừa cắt vừa hỏi xem khách có ưng ý chưa, hỏi xem khách muốn thế nào. Miễn phí nhưng không vì thế mà làm cho có lệ.
Chia sẻ về nghề cắt tóc, anh nói: “Đâu phải ai đi học cắt tóc rồi cũng cắt đẹp được. Ăn thua còn ở cái khiếu, cái tâm, cái “gu” thẩm mỹ nữa”. Sau khi hoàn thành “tác phẩm” đầu tiên của mình, anh Vũ đứng sang một bên nhìn ngắm. Các anh em khác có kinh nghiệm hơn cũng cho anh một, hai lời khuyên. Thấy khách tỏ vẻ vừa lòng, anh Vũ mừng rơn.
Nét đẹp nhân văn
Ngoài mục đích giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, “Câu lạc bộ cắt tóc miễn phí vì cộng đồng” còn sẵn sàng phục vụ tất cả khách hàng không giới hạn đối tượng. Cứ ai muốn hớt tóc đều có thể ghé đến. Cách khoảng 5 - 10 phút lại có 1-2 xe máy tấp vào. Mọi người ai nấy đều vui vẻ ngồi trò chuyện, đợi đến lượt mình. Một sự thân thiết lạ lùng giữa những người cùng đến đây hớt tóc. Bên góc này là bác xe ôm ngồi nói chuyện với một anh sinh viên đại học. Đằng kia là một chú thợ câu đang nói đùa với một anh nhân viên văn phòng. Không hẳn họ quen biết nhau từ trước, mà có lẽ chính bầu không khí hòa đồng ở đây đã kéo họ lại gần nhau hơn.
Tôi chợt nhận ra, đây không đơn thuần là một tiệm cắt tóc miễn phí, nó tựa như một điểm dừng chân ven đường và những vị khách hớt tóc là những khách lữ hành ghé ngang để tránh nóng, để chuyện trò và rồi họ rời đi với một thứ mới toanh, đẹp đẽ. Ở đây có vô số chủ đề được bàn tán. Những bác xe ôm có những câu chuyện nơi vỉa hè, những anh công nhân có những câu chuyện về bê-tông cốt thép… Anh Tiến (xe ôm) hài lòng chia sẻ: “Tui chạy xe mỗi ngày hông được bao nhiêu. Đi cắt tóc vô mấy tiệm bình thường thôi người ta cũng ăn 30.000 - 40.000 đồng rồi, gần bằng một bữa cơm. Chỗ này hớt miễn phí mà còn đẹp nữa!”.
Đèn đường đã lên, tiếng nhạc ở bãi đất trống nhỏ dần rồi tắt hẳn. Thoắt cái mà đã 19 giờ hơn, mọi người ai nấy bảo nhau thu dọn dụng cụ chuẩn bị về. Tôi đã thu hoạch được “kha khá” những khoảnh khắc đẹp, những câu chuyện hay và cả những điều bình yên giữa lòng thành phố hối hả. Đèn tắt, cái mái hiên được xếp gọn. Bình thường đến nỗi chẳng ai nhận ra nơi này hàng ngày đều diễn ra những hoạt cảnh tình nguyện đầy ý nghĩa. Có lẽ tôi đã tìm được một trong những nơi mang nét đẹp nhân văn yên bình giữa phố thị hối hả. Mảnh đất TPHCM nhộn nhịp là thế nhưng người dân nơi đây luôn dư dả một thứ quà mà họ sẵn sàng biếu tặng, đó chính là tình người.

Tin cùng chuyên mục