Tiêm nhắc bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt - bước quan trọng để bảo vệ trẻ từ 4 - 6 tuổi

Hội Y học Dự phòng Việt Nam vừa phối hợp với công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm báo chí trực tuyến “Tiêm nhắc bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt - bước quan trọng để bảo vệ trẻ 4 – 6 tuổi”. 

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ em
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ em

Buổi tọa đàm có sự tham gia trình bày và chia sẻ của chuyên gia đầu ngành là TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh và có tỉ lệ tử vong cao

 Tại tọa đàm, các chuyên gia y tế cho rằng, tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi tại Việt Nam hằng năm được tiêm các mũi vaccine phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt khá cao, nhờ hiệu quả của chương trình tiêm chủng quốc gia và mạng lưới tiêm chủng công lập cũng như tư nhân rộng khắp các tỉnh thành.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khả năng bảo vệ đối với bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt từ các mũi tiêm này không tồn tại bền vững, giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, trong giai đoạn trẻ từ 4 - 6 tuổi, kháng thể có được từ những mũi tiêm trong hai năm đầu đời đối với các bệnh giảm đi đáng kể.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng, mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ 3 mũi cơ bản trước 12 tháng và một mũi nhắc trước 2 tuổi, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh khi trẻ lớn lên nếu tiếp xúc với nguồn lây. Trẻ từ 4-6 tuổi thường bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài, ví dụ như như trường học, các sân chơi. Đây cũng là lúc gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt nếu trẻ chưa có đủ kháng thể.

Ngoài ra, mũi nhắc này cho trẻ 4-6 tuổi giúp bảo vệ trẻ tối ưu khỏi bại liệt, góp phần bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt tại Việt Nam. “Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Hội Y học dự phòng Việt Nam, phụ huynh nên tiêm nhắc vaccine phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt cho trẻ từ 4 – 6 tuổi để duy trì khả năng phòng bệnh tối ưu cho con đến tuổi thiếu niên”, TS. BS Phạm Quang Thái chia sẻ.

Tiêm nhắc bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt - bước quan trọng để bảo vệ trẻ từ 4 - 6 tuổi ảnh 1 TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Tỷ lệ tiêm nhắc các bệnh truyền nhiễm còn thấp

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, trên thế giới đã có hàng triệu trẻ 4-6 tuổi được tiêm nhắc lại để phòng 4 bệnh này, tuy nhiên tỷ lệ tiêm nhắc tại Việt Nam còn tương đối thấp. Đặc biệt, nhiều phụ huynh chưa biết rõ tầm quan trọng của các mũi tiêm nhắc bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt cho trẻ ở độ tuổi này.

Như một khảo sát gần đây được thực hiện với hơn 900 phụ huynh cho thấy, có đến hơn 65% phụ huynh nghĩ những mũi tiêm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt trước 2 tuổi là đủ hoặc không biết rằng kháng thể với các bệnh này không tồn tại suốt đời. Chỉ có 24,2% phụ huynh đã cho con đi tiêm nhắc lại mũi phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt trong độ tuổi 4-6 tuổi.

“Việc tiêm nhắc bạch hầu, ho gà, uốn ván,  bại liệt cho trẻ từ 4 – 6 tuổi không chỉ gia tăng hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà còn giúp tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ hơn chưa tiêm ngừa sống trong gia đình, nhất là trẻ từ 0 – 6 tháng vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ”, TS-BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh

Bên cạnh đó, từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, tỷ lệ trẻ em đi tiêm chủng các loại vaccine giảm rõ rệt. Tình trạng bỏ mũi, trễ lịch diễn ra ở khắp cả nước có thể dẫn đến hậu quả xuất hiện các đợt dịch bệnh về sau. Chuyên gia đưa ra lời khuyên cho phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm nhắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt sớm nhất có thể trong độ tuổi từ 4 – 6 tuổi. Khi đưa trẻ đi tiêm, phụ huynh cần chủ động đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi lâu và tuân thủ các quy tắc 5K phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Từ năm 2015 đến nay, thống kê cho thấy tỷ lệ ca mắc và tử vong của bệnh ho gà và bạch hầu ở Việt Nam đang tăng trở lại. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, trong năm 2020, khu vực Tây Nguyên ghi nhận tổng số 191 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 05 trường hợp tử vong4. Năm 2019, tỷ lệ ho gà cũng tăng đột biến lên hơn cả nghìn ca so với trước đây.

Tin cùng chuyên mục