Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vaccine bạch hầu đều có thể bị bệnh.
Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong. Vaccine phòng bệnh bạch hầu đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ hơn 30 năm nay. Mọi trẻ em phải được tiêm phòng bệnh bạch hầu trong thành phần vaccine phối hợp (bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm màng não mủ), gồm 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng, bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Phụ huynh có thể chọn lựa vaccine miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng hoặc vaccine có trả phí tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cho liệu trình tiêm chủng bắt buộc này.
Do dịch Covid-19 nên có thời gian hoạt động tiêm chủng phải tạm ngưng, cùng với tâm lý lo lắng bị nhiễm bệnh nên một số gia đình chưa đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, dẫn đến tiến độ bao phủ vaccine cho trẻ bị chậm lại. Đến nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động tiêm chủng đã được tổ chức lại trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng vừa phòng lây nhiễm Covid-19. Phụ huynh và người nuôi dưỡng cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các liều vaccine bắt buộc.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine cao, tuy nhiên miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine thường kéo dài khoảng 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian, do vậy, nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh. Trong tình hình xuất hiện ca bệnh bạch hầu rải rác ở một số tỉnh thành, trẻ lớn và người lớn có tiền sử tiêm chủng không đầy đủ, không rõ ràng cũng nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn sử dụng các vaccine phòng bệnh bạch hầu phù hợp.