Tiền đề thay đổi thói tật

Chiếm dụng vỉa hè dành cho người đi bộ để sử dụng vào những hoạt động, mục đích không chính đáng, không hợp lệ từ lâu đã là chuyện dài nhiều tập trên địa bàn TPHCM và là vấn đề đau đầu thường xuyên đối với các cơ quan chức năng mà trước hết là chính quyền các quận, huyện. Có thể nói rằng gần như ở đâu có hè phố, ở đó có tình trạng chiếm dụng vỉa hè, sử dụng vỉa hè sai mục đích, có khác chăng chỉ là về quy mô, tần suất, mục đích, thời gian biểu chiếm dụng mà thôi.

Việc ngành GTVT thành phố vừa lắp đặt hàng rào thép phân cách giữa vỉa hè và lòng đường, tuy mới chỉ bước đầu lắp đặt trên một con đường và với một độ dài tương đối nhưng dù sao đó cũng là một dấu mốc, một nỗ lực tìm giải pháp từ cơ quan chức năng - ở đây là ngành GTVT thành phố, để từng bước giải quyết nạn chiếm dụng vỉa hè (lẫn lòng đường). Không ít thì nhiều, hàng rào phân cách vỉa hè cũng làm nản lòng những người lấn chiếm vỉa hè cho mục đích cá nhân và không hợp lệ, mà hình ảnh trước và sau khi lắp đặt hàng rào phân cách vỉa hè trên đường Võ Văn Kiệt là một minh chứng rõ nét: Trước khi có hàng rào phân cách là tình trạng lấn chiếm buôn bán xô bồ, lố nhố đủ loại, đủ kiểu nhưng hình ảnh này đã thay đổi sau khi xuất hiện hàng rào thép.

Đó là tác dụng trước mắt, còn về lâu dài những hàng rào phân cách vỉa hè với lòng đường ấy sẽ thầm lặng góp phần vào việc “tập” cho một bộ phận dân cư thích nghi, quen dần với cung cách sống văn minh đô thị, chẳng hạn như thói quen nhìn nhận vỉa hè là dành cho người đi bộ, không phải để lấn chiếm buôn bán hàng rong linh tinh các loại; không thể tùy ý tự tiện dừng đậu xe trên đường để mua bán hàng hóa gì đó; không còn khả năng phóng xe từ lòng đường lên vỉa hè và ngược lại mọi lúc mọi nơi…

HUY KHÁNH

Tin cùng chuyên mục