Nằm dọc trên bờ Bắc sông Tiền-một nhánh của sông MêKông, dài 120km, Tiền Giang được xem như là cửa ngõ giao thương của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TPHCM và cả nước. Trong tiến trình hội nhập và phát triển, tỉnh Tiền Giang đang là địa phương đầy tiềm năng phát triển về kinh tế cũng như môi trường đầu tư thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thuận lợi giao thương
Nhờ vị trí hết sức thuận lợi nên Tiền Giang được đánh giá đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả khu vực ĐBSCL, là địa bàn trung chuyển hết sức quan trọng giữa miền Tây Nam bộ với TPHCM và cả nước. Thuận lợi về vị trí đã giúp Tiền Giang sớm trở thành một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển trong khu vực miền Tây Nam bộ. Nói về giao thương, Tiền Giang đang có rất nhiều thuận lợi. Về đường bộ: Có tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 69,1km đã đưa vào sử dụng, từ TPHCM đi Trung Lương chỉ mất 30 phút và tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được triển khai xây dựng. Ngoài Quốc lộ 1A chạy ngang qua; Quốc lộ 50 từ thành phố Mỹ Tho đi thị xã Gò Công đang được nâng cấp, mở rộng nối với Long An và TPHCM; Quốc lộ 60 từ ngã ba Trung Lương qua cầu Rạch Miễu vượt sông Tiền nối thành phố Mỹ Tho với thành phố Bến Tre và các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng rất thuận lợi. Về đường thủy: Có sông Tiền chảy ra biển Đông, sông Vàm Cỏ giáp với tỉnh Long An, tuyến đường thủy quốc tế từ TPHCM đi Phnôm-Pênh qua kênh Chợ Gạo đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Về đường biển: Đi từ huyện Gò Công Đông đến Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 40km. Tiền Giang có hệ thống viễn thông phủ rộng toàn tỉnh, số lượng thuê bao cố định lẫn di động ngày tăng cao. Ngoài ra, lưới điện quốc gia đã kéo đến trung tâm tất cả các xã.
Tiền Giang hiện có 10 đơn vị huyện, thị, thành; trong đó, Mỹ Tho là đô thị loại II, là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của tỉnh. Thị xã Gò Công đang ngày một phát triển gắn liền với sự phát triển kinh tế vùng ven biển và là cửa ngõ nối với TPHCM qua Long An… Trong giai đoạn 2011-2015, Tiền Giang chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố Mỹ Tho tiến lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Các đô thị nâng cấp lên tầm cao mới; xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống thương mại dịch vụ, văn hóa, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại đứng đầu 6 tỉnh phía Bắc Sông Tiền nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Điểm đến cho nhà đầu tư
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Tiền Giang sẽ phát triển thêm 9 đô thị mới: Bình Đức, Vĩnh Kim, Lương Hòa Lạc, Long Định, Mỹ Phước Tây, Phú Mỹ, An Hữu, Thiên Hộ và Vàm Láng. Tỉnh có các khu công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng như: KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương (huyện Châu Thành), KCN Long Giang (huyện Tân Phước), KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp (huyện Gò Công Đông). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các cụm công nghiệp (CCN) vệ tinh ở một số huyện, thành phố như: CCN Trung An, CCN Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), CCN An Thạnh (huyện Cái Bè), CCN Song Thuận (huyện Châu Thành)… Trong giai đoạn hiện nay, Tiền Giang có nhiều lợi thế để mở rộng, phát triển thêm các khu công nghiệp, khu đô thị mới nhằm phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ cho vùng cùng các dịch vụ cao cấp, đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư. Nhằm tạo bước ngoặt mới để Tiền Giang đột phá, tạo dấu ấn mới với các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề; đặc biệt đầu năm 2010, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với qui mô lớn.
Để phát triển nhanh và bền vững, Tiền Giang đang đẩy mạnh đầu tư để từng bước chuyển mình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với lợi thế này, Tiền Giang sẽ mở rộng khả năng hợp tác, liên kết kinh tế với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; đồng thời, phát huy tác động đô thị hóa và công nghiệp hóa của “hạt nhân” TPHCM sang các tỉnh lân cận thuộc vùng ĐBSCL, nhất là khi các hành lang kinh tế phát triển mạnh. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đang tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 về phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Cụ thể là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó bao gồm đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển các khu - cụm công nghiệp và các trung tâm thương mại; tạo điều kiện thu hút các ngân hàng thương mại; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ và đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế, đồng thời tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng.
Như vậy, giai đoạn hội nhập và phát triển của tỉnh Tiền Giang hiện nay là “cơ hội vàng” để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu và thực hiện đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khu dân cư, khu đô thị mới, các khu du lịch và nhiều lĩnh vực khác.
TRÍ NGUYÊN