Tiên học lễ đang bị xem nhẹ…

Mới đây, tham dự một buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp ở một trường cao đẳng ở TPHCM, một thầy giáo lớn tuổi quay sang hỏi tôi: “Cô có thấy điều gì học viên ứng xử chưa đúng trên lễ đài không?”.

Tôi chưa kịp trả lời thì thầy nói: “Sinh viên đưa tay đón nhận văn bằng tốt nghiệp từ tay thầy hiệu trưởng nhưng không biết cúi đầu tỏ lòng biết ơn, tri ân thầy cô - nhà trường đã dạy dỗ mình đến ngày hái quả”. Quan sát buổi lễ trang trọng này, tôi thấy rất ít sinh viên biết cúi đầu biểu lộ sự tri ân khi đón nhận bằng tốt nghiệp. Điều này cho thấy một bộ phận học sinh, sinh viên thời nay ít coi trọng văn hóa chào hỏi, lễ phép khi gặp người lớn hoặc biểu cảm sự biết ơn một cách trang trọng đối với các sự kiện có ý nghĩa như trên. Lỗi tại ai? Theo tôi, nguyên nhân bắt nguồn từ việc nhiều gia đình, người lớn thiếu gương mẫu, chưa biết cách dạy con cái phải coi trọng văn hóa chào hỏi, có cử chỉ lễ phép khi gặp người lớn hoặc đón nhận bất kỳ vật gì từ tay họ. Thói quen này phải được nuôi dưỡng, bồi đắp từ khi học mẫu giáo đến khi vào lớp 1 và bước vào các cấp học cao hơn. Không những thế, bài học lễ phép cần phải nuôi dưỡng từ cái nôi gia đình. Muốn dạy con cái biết lễ phép thì cha mẹ phải làm gương, có cử chỉ thái độ lễ phép với ông bà, những người lớn tuổi hơn. Nề nếp gia đình chính là nền tảng nuôi dưỡng những hành vi ứng xử có văn hóa và gia đình nào coi trọng nó thì các thành viên khi ra xã hội sẽ hành xử đúng. Khi một bộ phận gia đình chưa quan tâm đến việc này thì nhà trường là nơi dạy dỗ, uốn nắn các em hành xử, ứng xử có văn hóa.

Như thế, ngay từ những bài học đầu đời trẻ em phải được học về đức dục trước khi làm quen với trí dục. Muốn làm được điều này phải có đội ngũ giáo viên mầm non đủ chuẩn, biết dạy học trò nhỏ làm quen với những bài học chào hỏi, lễ phép, cám ơn để khi lớn các em mới hành xử đúng. Không những thế, ở mỗi cấp học cao hơn, những bài học về đức dục, học làm người cũng cần được bồi đắp hàng ngày để học sinh có thói quen tốt, ứng xử có văn hóa trong mọi tình huống.

Phải chăng khi xã hội phát triển, người ta xem nhẹ văn hóa chào hỏi, lễ phép? Nhìn sang các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ thấy họ rất coi trọng, gìn giữ văn hóa truyền thống. Khi gặp gỡ, đón chào khách hoặc đón nhận món quà từ ai đó, họ luôn vòng tay và cúi đầu một cách trân trọng. Cử chỉ ấy biểu thị lòng biết ơn và cao hơn là văn hóa tri ân đối với người đã quan tâm đến mình. Còn ở ta thói quen đó đang bị lu mờ? Ở nhiều trường học, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được giương lên ngay cổng trường, sân trường nhắc nhở học sinh phải coi trọng chữ lễ trước. Thế nhưng, ở đâu đó, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều hình ảnh không đẹp của học trò hoặc phải cau mày khi thấy nhiều em nói trống không-thiếu câu thưa gởi hoặc cám ơn đối với người lớn. Như thế, giới trẻ-học sinh, sinh viên có thái độ ứng xử đúng, có hành vi văn hóa như lễ phép, biết chào hỏi, cám ơn đúng nơi đúng chỗ thì gia đình, nhà trường cần phải xem lại cách giáo dục các em.

LỆ HOA

Tin cùng chuyên mục