Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Tạo vùng cho cơ giới hóa “dụng võ”

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Tạo vùng cho cơ giới hóa “dụng võ”

Năm 2010 khép lại với nhiều dấu ấn của ngành nông nghiệp. Trong đó, vựa lúa ĐBSCL tiếp tục đảm bảo vai trò an ninh lương thực quốc gia và cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu. Đây là năm thứ hai liên tiếp nông dân trúng mùa, trúng giá. Dịp này, chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, về những thành tựu của ngành nông nghiệp cũng như những thách thức nông dân phải đối diện trong tương lai.

- PV: Tiến sĩ đánh giá thế nào về vai trò sản xuất lương thực của vựa lúa ĐBSCL?

- TS LÊ VĂN BẢNH: Trong 3 - 4 năm trở lại, sản xuất lúa gạo của Việt Nam liên tục trúng mùa, dù rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện khá nhiều. Theo ngành nông nghiệp, năm 2010 Việt Nam đạt gần 40 triệu tấn lúa, nghĩa là chúng ta đã về đích trước 5 năm (theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2015 mới đạt 40 triệu tấn lúa). ĐBSCL tiếp tục là vựa lúa đảm nhận tốt vai trò đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn gạo dồi dào cho xuất khẩu. Cụ thể, năm 2008, sản lượng lúa khoảng 19 triệu tấn, 2009 hơn 20 triệu tấn, năm 2010 đạt 21,55 triệu tấn, sản lượng liên tục tăng.

2010 là năm bội thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

2010 là năm bội thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Trước đây, theo kế hoạch hàng năm Việt Nam xuất khoảng 4,5 - 5 triệu tấn gạo. Năm 2010, xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu trên 3,2 tỷ USD là một kỷ lục… Tại hội nghị quốc tế về lúa gạo ở Hà Nội vừa qua, nhiều nước đánh giá rất cao vị thế sản xuất lương thực của Việt Nam. Từ chỗ thiếu ăn, rồi đến xuất khẩu gạo, hiện nay Việt Nam đóng góp lượng gạo khá dồi dào (gần 1/4 lượng gạo xuất khẩu trên thế giới). Một điều cần ghi nhận, khi kinh tế thế giới khủng hoảng về tài chính, Việt Nam cũng bị tác động nhưng chính nền nông nghiệp đã cứu cả nền kinh tế. Nói thế để thấy vai trò của nền nông nghiệp mang lại hiệu quả rất cao. Xuất khẩu không ngừng tăng và đảm bảo an ninh lương thực tốt.

- Tiến sĩ có thể đưa ra nhận định về những nguyên nhân thắng lợi mà ngành nông nghiệp đã được sau 25 năm đổi mới?

-  Điểm lại những thành tựu đó chúng ta cần nhìn lại những tác động tích cực từ những chính sách đúng đắn. Dấu ấn sau đổi mới đã “cởi trói” cho người nông dân vươn lên tự chủ sản xuất trong nông nghiệp, tạo ra sự phấn khởi, kích thích nông dân sản xuất trên chính mảnh đất của mình, đó là bước ngoặt chuyển từ giai đoạn thiếu ăn đến đủ ăn và xuất khẩu.

ĐBSCL đang hình thành các vùng sản xuất lúa lớn.

ĐBSCL đang hình thành các vùng sản xuất lúa lớn.

Tất nhiên, ở vựa lúa ĐBSCL cũng cần phải ghi nhận thêm chủ trương thủy lợi hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đây là một quyết sách rất thành công mang đậm dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Các công trình thủy lợi đã nhanh chóng xả phèn, rửa mặn, khai hoang phục hóa cho vùng Đồng Tháp Mười… giúp cải thiện đất đai và gia tăng đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Lúc đó, ngay cả Hà Lan khi chứng kiến thực tế phải lắc đầu chịu thua khi họ nói 1 ha phải đầu tư 2 triệu USD. Nhưng nhờ những công trình thủy lợi, chúng ta tốn không nhiều nhưng mang lại hiệu quả rất cao. Cùng với hệ thống thoát lũ ra biển, hệ thống kinh mương thủy lợi đã phục vụ tốt cho tưới tiêu. Hiện nay một số quốc gia ở châu Phi có nhiều đất tốt để sản xuất lương thực nhưng thiếu hệ thống thủy lợi.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đóng góp rất lớn khi liên tục đưa ra các giống lúa mới thích nghi với điều kiện lũ và tăng vụ. Dấu ấn là các giống lúa OMCS có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (85-90 ngày). Nhờ đó, nông dân sản xuất 2 - 3 vụ/năm hoặc 7 vụ/2 năm, năng suất lúa đạt 12 - 15 tấn/ha/năm. Đặc biệt, nhờ giống ngắn ngày, nông dân chủ động sản xuất né lũ, tránh mặn. Ngoài ra, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cũng mang lại hiệu quả lớn qua các chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa... Các chương trình khuyến nông, dạy nghề cho nông dân đã phát huy hiệu quả. Từ đó, trình độ sản xuất của nông dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam so với các nước Đông Nam Á hay một số nước khác cao hơn.

- Cơ giới hóa và bảo quản sau thu hoạch là vấn đề đang được nhiều người quan tâm?

- Trước tiên, cần ghi nhận những đóng góp của cơ giới hóa trong thời gian qua. Cụ thể như máy gặt đập liên hợp đã giải quyết được tình trạng thiếu lao động ở nông thôn khi vào vụ thu hoạch. Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong nhiều khâu được cải thiện đáng kể: khâu làm đất trên 95%, bơm tưới 75%, gieo sạ 20%, thu hoạch lúa khoảng 40%, sấy lúa 30%...

- Biến đổi khí hậu đang đe dọa đến vựa lúa ĐBSCL?

- Vài năm trước, một số tổ chức đã cảnh báo về biến đổi khí hậu, chúng ta không thấy gì nên chưa lo. Nhưng thực tế hiện nay biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra rất rõ: ngập mặn (do nước biển dâng lên), nắng nóng, khô hạn, ngập úng (mưa bão thất thường, cường độ ngày càng khốc liệt hơn)… Những yếu tố này đều ảnh hưởng đến cây trồng. Để ứng phó, chúng ta cần giải quyết một số vấn đề. Tại ĐBSCL, cần liên kết để chống khô hạn, ngập mặn. Nếu có chương trình đê bao, rừng phòng hộ, một tỉnh không thể thực hiện được, phải liên kết cả vùng. Cần có nhạc trưởng linh động điều hành mối liên hoàn này. Và vai trò này, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cần đảm nhận.

Đối với các nhà khoa học, chúng tôi đã và đang nghiên cứu sản xuất ra giống cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu và xem xét lại cơ cấu mùa vụ cho phù hợp để giảm nhẹ thiên tai. Các giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng… là những ưu tiên nghiên cứu để sớm đưa ra sản xuất.

- Xin cảm ơn tiến sĩ!

 “Cần đẩy mạnh tiến trình cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Muốn có “đất dụng võ” cho cơ giới hóa, phải có diện tích đất sản xuất lớn gắn với vùng chuyên canh. Nên phát triển theo hướng công ty cổ phần. Nông dân có đất, quy giá trị đất để góp vốn, nông dân trở thành cổ đông công ty.

Sản xuất hàng hóa phải có khối lượng lớn, chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường đặt ra. Khi có diện tích sản xuất lớn, rất dễ áp dụng cơ giới hóa. Khi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, nông dân sẽ giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa. Hình thành vùng sản xuất lúa lớn là cách tối ưu cho cơ giới hóa và tối ưu cho mối liên kết bốn nhà”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục