Cuju

Tiền thân của bóng đá

Tiền thân của bóng đá

Trong khi nước Anh tự nhận là cha đẻ của môn bóng đá thì người Trung Quốc khẳng định chính họ mới là ông tổ của môn thể thao này. Đến năm 2004, FIFA chính thức công nhận Trung Quốc là nơi đầu tiên xuất hiện môn bóng đá – lúc đó được gọi ta Cuju.

Tiền thân của bóng đá ảnh 1

Tượng hai người nông dân chơi Cuju.

Môn Cuju từng được chơi ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo tiếng Hoa, “Cu” có nghĩa “đá” và “Ju” có nghĩa “bóng”. Cuju trở nên phổ biến trong thời điểm 476-221 trước Công nguyên.

Lúc đó Cuju được sử dụng để huấn luyện kỵ binh, do tính chất quyết liệt của môn thể thao này. Đến thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên –năm 220 Công nguyên), sự phổ cập của Cuju lan tỏa từ quân đội đến triều đình và tầng lớp quý tộc. Người ta đồn rằng Vua Hán Vũ Đế rất thích môn thể thao này.

Cũng vào thời điểm ấy, Cuju được chuẩn hóa bằng việc lập luật chơi. Các trận đấu thường tổ chức trong cung điện hoàng gia. Một sân chơi được xây riêng để đá bóng với 6 khung thành hình lưỡi liềm ở hai đầu sân.

Khoảng thời gian từ năm 618-907, Cuju được cải thiện. Trước tiên, quả bóng bằng lông gà hoặc tóc được thay thế bằng quả bóng bơm hơi. Lúc này, xuất hiện hai dạng khung thành. Một dạng là hai cột dọc để treo lưới, người chơi phải dùng chân đưa quả bóng vào lưới. Và một dạng chỉ là một khung thành đặt ở giữa sân. Thời này cũng đã có Cuju dành cho nữ. Các tư liệu cho biết từng có 1 thiếu nữ 17 tuổi đá bại một đội tuyển quân đội.

Tiền thân của bóng đá ảnh 2

Minh họa người Hoa xưa chơi Cuju

Cuju bùng nổ tại Trung Quốc đời Nhà Tống (960-1279) do sự phát triển xã hội và kinh tế, mọi tầng lớp dân chúng đều chơi. Lúc ấy cầu thủ Cuju nhà nghề rất nổi tiếng và môn thể thao này bắt đầu trở thành trò giải trí kinh doanh.

Cầu thủ Cuju nhà nghề được chia thành hai cấp: một cấp được triều đình tổ chức tập luyện và thi đấu, một cấp gồm dân thường kiếm sống bằng nghề đá Cuju. Vào thời này, chỉ sử dụng một khung thành đặt giữa sân. Các tổ chức Cuju được lập tại những thành phố lớn có tên Qi Yun She và Yuan She, được xem là những CLB Cuju nhà nghề đầu tiên.

Hội viên của các tổ chức này là những fan hâm mộ Cuju hoặc cầu thủ nhà nghề. Cầu thủ nghiệp dư phải làm đơn xin “sư phụ” cho chuyển hạng nhà nghề và họ phải nộp lệ phí để trở thành hội viên. Thủ tục này nhằm đảm bảo thu nhập cho cầu thủ nhà nghề.

Có hai cách chính để chơi Cuju là “Zhu Qiu” và “Bai Da”. “Zhu Qiu” thường được biểu diễn ở các lễ hội của triều đình như mừng sinh nhật vua hoặc khi có các sự kiện ngoại giao. Trận đấu sẽ diễn ra giữa hai đội, mỗi đội có từ 12 đến 16 cầu thủ.

“Bai Da” là phong cách Cuju nổi bật trong thời nhà Tống, chú trọng phát triển kỹ thuật cá nhân nên không cần đến khung thành. Các cầu thủ vào sân để tâng bóng càng lâu không chạm đất càng tốt. Cầu thủ có quyền dùng mọi bộ phận cơ thể để chạm bóng, chỉ không được dùng chân, và mỗi trận từ 2 đến 10 người tham gia. Cuối cùng ai có điểm cao nhất sẽ là người chiến thắng.

Cuju suy tàn từ thời nhà Minh (1368-1644) do người ta không còn quan tâm nhiều tới nó. Hiện người Trung Quốc đang khôi phục môn này vào những ngày Tết Âm lịch.

ANH THAO

Tin cùng chuyên mục