Tiền thưởng tết của giáo viên: Còn nhiều khoảng cách

Những ngày cận tết, giáo viên (GV) TPHCM đã được nghỉ ngơi khá sớm và dài ngày để chuẩn bị đón tết cổ truyền. Tuy bình quân mức thưởng tết không “náo nức lòng người” nhưng nhiều thầy cô khá hài lòng với những gì mình có.

Những ngày cận tết, giáo viên (GV) TPHCM đã được nghỉ ngơi khá sớm và dài ngày để chuẩn bị đón tết cổ truyền. Tuy bình quân mức thưởng tết không “náo nức lòng người” nhưng nhiều thầy cô khá hài lòng với những gì mình có. 

  • Phổ thông: nơi thấp, nơi cao 

Khá bất ngờ với nhiều người khi biết cuối năm 2009, một số trường THPT của TPHCM có mức thưởng “cao vời vợi”, lên đến chục triệu đồng. Trường THPT Nguyễn Huệ, quận 9, bình quân thưởng 18 triệu đồng, trong đó người được thưởng nhiều nhất lên đến hơn 30 triệu đồng. Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, không có sự chênh lệch mức thưởng, GV thâm niên được cao nhất là 28 triệu đồng, còn GV trẻ mới ra trường cũng được rủng rỉnh 17 triệu đồng.

“Thật ra đây không phải là tiền thưởng tết mà là tiền kết dư, nhưng do rơi vào cuối năm nên cũng coi như là tiền thưởng tết cho GV, vì đời sống của họ thường chật vật quanh năm”, hiệu trưởng một trường THPT bộc bạch. Khoản tiền này có được là do nhà trường được cấp một khoản kinh phí hoạt động trong năm học, nếu chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, cuối năm trường tích lũy được một khoản kha khá. 

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, mức thưởng cao nhất năm nay thuộc về khối các trường THPT. Trong khi những bậc học khác, tiền thưởng tết trông chờ vào hỗ trợ của thành phố, Hội PHHS. Một số trường ở nội thành có mức thưởng từ 1 triệu - 7 triệu đồng/người từ quỹ phúc lợi của nhà trường. 

Hỏi chuyện ăn tết, cô Nguyễn Thị Túy Định, ở Bình Chánh, cười rất vui: GV vùng ven ăn tết không rôm rả bằng nội thành, lấy niềm vui tinh thần là chính. Tết năm nay, ngân sách TP cho mỗi GV 600.000 đồng, hội PHHS cho thêm 200.000 đồng, phúc lợi của trường 300.000 đồng, tổng cộng được 1,1 triệu đồng. Số tiền này tuy không nhiều nhưng “có còn hơn không”. Cô Định tâm sự: “Chấp nhận nghề giáo là chấp nhận không so đo, tính toán, nên lâu rồi tôi không chạnh lòng về tiền thưởng tết. Hạnh phúc của nghề giáo là được từng đàn học trò nhỏ chúc tết thầy cô”. 

Cô Nguyễn Thị Ngân ở Cần Giờ cho biết ngày tết vẫn sẽ ăn uống bình thường, chỉ kho thêm một nồi thịt và mua sắm quần áo cho hai đứa con. “Mọi năm huyện Cần Giờ còn cho 500.000 đồng ăn tết, nhưng năm nay không có. PHHS miền duyên hải nghèo nên cũng không có tiền hỗ trợ đời sống GV. Năm nay nhiều GV Cần Giờ chỉ được 600.000 đồng từ nguồn của UBND TP”, cô Ngân nói. 

  • Đại học: “Công, tư” cũng…khác 

Với những giảng viên các trường đại học, cao đẳng, việc chăm lo đời sống vật chất trong những ngày cận tết cũng có sự chênh lệch lớn giữa hai loại trường công và trường tư.

Trường ĐH Cần Thơ dành hơn 2 tỷ đồng để thưởng tết cho cán bộ, công nhân viên trong trường, mỗi người đúng 1 triệu đồng. TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết mức thưởng năm nay bằng với mọi năm và được trích từ các hoạt động có thu của nhà trường.

Nhiều trường đại học công lập có mức thưởng cũng chỉ sít sao không quá 1 tháng lương.

Cũng là trường công nhưng hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính, các Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) có mức thưởng khá hơn, từ 6,5 - 8 triệu đồng/người. “Thật ra việc thưởng nhiều hay ít đối với giảng viên không quan trọng, cái quan trọng là mọi người thấy công bằng, vui vẻ” – một giảng viên tâm sự. 

Cũng là giảng viên như nhau, nhưng với những giảng viên các trường đại học ngoài công lập có mức thưởng từ 5 - 10 triệu đồng/người. Trường ĐH DL Văn Lang TPHCM thưởng theo hình thức “quan cũng như lính” – từ hiệu trưởng, hiệu phó, giảng viên đến công nhân phục vụ, đều được thưởng 5,2 triệu đồng/người. Trong khi đó, Trường ĐH DL Hùng Vương, hội đồng cổ đông quyết định mức thưởng từ 6,6 - 8,6 triệu đồng/người, cao hơn gần 1 triệu đồng so với mức thưởng năm 2009. Trường ĐH DL Văn Hiến cũng nâng mức thưởng từ 7,5 - 10 triệu đồng/người. 

Cũng nhờ hoạt động của nhà trường thu được nhiều lợi nhuận hơn mọi năm, nhiều trường đại học ngoài công lập khác tại TPHCM như Hoa Sen, Kỹ thuật Công nghệ, Công nghệ Sài Gòn… cũng mạnh dạn thưởng nhiều hơn cho giảng viên so với năm trước, khoảng 10 triệu đồng/người 

DOANH - HÙNG

Tin cùng chuyên mục