Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu cho phép kéo dài sử dụng chất diệt cỏ glyphosate do đề xuất kéo dài sử dụng chất hóa học trên thêm 15 năm không nhận được đa số phiếu cần thiết thông qua. Một tuần trước khi cuộc bỏ phiếu bị hoãn, Pháp, Thụy Điển và Italia cảnh báo sẽ bỏ phiếu chống, trong khi Đức sẽ tìm cách né không để cuộc bỏ phiếu diễn ra.
Sự quan ngại xuất hiện từ năm 2015, khi Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra báo cáo cho biết glyphosate có khả năng gây ung thư cho con người. Tiếp đó, 96 học giả trên thế giới đã ký vào một bản kiến nghị kêu gọi EU bác đánh giá của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) rằng nguy cơ gây ung thư của glyphosate là chưa chắc chắn.
Việc giới chức nhiều nước quan ngại, thậm chí có những phản ứng mạnh như Pháp hay Thụy Điển hoàn toàn dễ hiểu khi biết rằng glyphosate là chất được dùng trong thuốc diệt cỏ RoundUp của tập đoàn Monsanto (Mỹ), một trong những nhà sản xuất đã có “tiền án” về sản xuất chất hóa học diệt cỏ hủy hoại cuộc sống con người - chất độc da cam/dioxin.
Từ lâu, thuốc diệt cỏ được biết đến là những tổ hợp hóa chất phun lên cỏ dại, thấm vào trong thân và ngăn chặn sự hình thành các enzyme cần thiết cho sự sống của các loài thực vật. Thành phần hoạt tính phổ biến của loại sản phẩm này là glyphosate. Hơn 20 năm trước, khi các loài ngũ cốc biến đổi gen chưa ra đời, thuốc diệt cỏ được xịt để diệt trừ cỏ dại trước khi bắt đầu mùa vụ, hiếm khi xịt lên cây trồng. Nhờ đó, các thực phẩm chúng ta ăn không chứa những hóa chất độc hại này. Nhưng với các loại cây trồng biến đổi gen hiện nay có khả năng kháng thuốc diệt cỏ, loại thuốc diệt cỏ độc hại có thể được xịt thẳng vào cây làm cho hóa chất độc hại thấm vào thân. Cỏ dại mọc xung quanh thì chết trong khi loài cây thực phẩm vẫn sống khỏe vì bộ gen đã được thiết kế để chống lại thuốc diệt cỏ.
Tiến sĩ David Schubert, một nhà nghiên cứu y khoa nổi tiếng, từng cho biết có nhiều lô hàng đậu nành từ Mỹ xuất khẩu sang các nước châu Âu có hàm lượng glyphosate cao gấp 50 lần mức cho phép của châu Âu. Việc glyphosate đang tích tụ vào môi trường, trong thực phẩm và trong nguồn nước làm cho cỏ dại có khả năng kháng thuốc cao hơn, kéo theo lượng thuốc diệt cỏ phải dùng nhiều hơn. Đã có những trường hợp người ta tìm thấy glyphosate trong máu, trong nước tiểu của trẻ em. Trong khi đó, không ít các nghiên cứu chỉ ra rằng glyphosate có khả năng tàn phá nội tạng, gây ra tổn thương gan và thận. Đó là một trong những lý do lý giải cho việc người ăn chay cũng có khả năng bị ung thư.
Thời hạn sử dụng chất glyphosate ở EU đến hết tháng 6 mới hết hạn. Ủy ban chuyên gia của EU sẽ nhóm họp lại vào ngày 18 và 19-5 tới để tiếp tục lấy ý kiến của các quốc gia thành viên. Mặc dù số phận của chất hóa học glyphosate sẽ chính thức được định đoạt trong thời gian tới nhưng việc EU tạm hoãn cuộc bỏ phiếu lần này đã cho thấy sự lo sợ về hiểm họa ung thư từ hóa chất độc hại. Làm sao không lo sợ khi mỗi năm trên thế giới 12,7 triệu người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và 7,6 triệu người chết vì căn bệnh này. Cuộc bỏ phiếu bị tạm hoãn có thể xem là tiếng gọi của lương tri thức tỉnh giới chức của EU, khiến họ chùn bước trước mối lợi có thể lớn nhưng cái giá phải trả sẽ vô cùng khắc nghiệt.
ĐỖ CAO