Trong một quán cà phê nhỏ chỉ vài chục ghế ngồi tại đường Trường Sơn (quận 10, TPHCM), những giọng ca truyền cảm đã đưa người nghe đi từ rung động này đến cảm xúc khác. Họ không phải là ca sĩ. Họ là những bác sĩ, điều dưỡng, nha sĩ, nữ hộ sinh… ngày thường vốn quen với thuốc men, dịch truyền, dụng cụ y tế và hàng trăm thứ bệnh. Họ đến với đêm nhạc “Blouse trắng” để hát, để quyên tiền “mua cơm” giúp bệnh nhân nghèo bằng cả tấm lòng...
Dù đã cuối tuần nhưng công việc của bác sĩ Kiều Thanh Hà, công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn bận rộn với lịch hẹn bệnh nhân dày đặc. Ấy thế mà, chị vẫn đến với đêm nhạc “Blouse trắng”, thanh lịch với chiếc váy xòe dịu dàng thay áo blouse trắng thường ngày và cất tiếng hát dạt dào, lúc mênh mang lúc cuộn trào làm cả khán phòng bất ngờ với biển, nỗi nhớ và em.
Dù công việc bận rộn, bác sĩ Kiều Thanh Hà vẫn sắp xếp đến với đêm nhạc
Trước khi đêm nhạc đầu tiên này diễn ra, bác sĩ Hà và các y, bác sĩ khác đã dành thời gian tập luyện với ban nhạc, với đàn ghita… để mang lại chương trình nghệ thuật nhiều cảm xúc. Riêng bác sĩ Thanh Hà, công việc chung ở bệnh viện, cũng như chu toàn trách nhiệm với gia đình đã lấp đầy quỹ thời gian của chị. Để trở thành “ca sĩ” trong đêm nhạc, chị khá vất vả trong việc sắp xếp thời gian phù hợp. Bác sĩ Thanh Hà xúc động: “Hơn ai hết, bác sĩ là người thấu hiểu nỗi khổ của bệnh nhân và gia đình họ. Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải kéo dài thời gian điều trị ở các bệnh viện. Họ lê lết ở đó, bệnh viện trở thành nhà, với gánh nặng chi phí hàng ngày. Khi đến với chương trình, tôi nghĩ rằng đây là nơi vừa thỏa mãn đam mê ca hát của mình, vừa thiết thực góp chút sức nhỏ bé, kiếm thêm nhiều suất cơm hơn cho bệnh nhân nghèo”.
Trong đêm nhạc, nhiều khán giả càng bất ngờ khi có sự xuất hiện của PGS-TS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, một bác sĩ - ca sĩ hơn 40 năm đi hát, đã từng ghi dấu trong lòng nhiều người với ca khúc Tình đất đỏ miền Đông. Lần này, ông tham gia đêm nhạc thấm đẫm tình người này với Một đời người, một rừng cây đầy cảm xúc.
Bác sĩ Lê Hành tham gia đêm nhạc giúp người bệnh nghèo
Đêm nhạc “Blouse trắng” đầu tiên diễn ra vào cuối tuần qua có hơn 15 giọng hát, hầu hết các “ca sĩ” là y, bác sĩ đến từ các Bệnh viện Mắt TPHCM, Nhi đồng 2, Tâm thần, Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM… Quán nhỏ cà phê chỉ đủ chỗ tối đa cho 50 người, nhưng một tuần trước khi đêm nhạc diễn ra, đã có hơn 300 người đăng ký tham dự, nên ban tổ chức chia ra 4 tuần mở màn. Với 40 triệu đồng quyên góp được từ lời ca tiếng hát, các bác sĩ đặt mua sẵn những phần cơm ở quán ăn gần các bệnh viện lớn tại TPHCM rồi phát phiếu để bệnh nhân nghèo, thân nhân bệnh nhân nghèo đến ăn miễn phí.
“Dĩa cơm trên tường” là một dự án không trụ sở, không tổ chức, không chi phí quản lý… Thời gian đầu, tất cả tiền quỹ do các bác sĩ tự kêu gọi đóng góp, với khoảng 120 phần cơm/tuần, nhưng hiện nay với sự chung tay của nhiều y, bác sĩ và nhà hảo tâm đã tăng lên 420 phần cơm/tuần, mỗi phần cơm 20.000 đồng. Hơn 2.000 “dĩa cơm” đã được thu về trong một đêm nhạc ấm áp ấy. Đây là hoạt động ý nghĩa của dự án “Dĩa cơm trên tường”. Đêm nhạc sẽ tiếp tục diễn ra mỗi tối thứ bảy hàng tuần, trong ít nhất 3 tháng tới… Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển chân tình nói: “Xã hội của chúng ta không hề vô cảm, xã hội còn rất nhiều điều tốt đẹp. Mỗi dĩa cơm là một tấm lòng của người cho đối với người nhận. Chúng tôi mong muốn không chỉ bác sĩ ở TPHCM mà 63 tỉnh, thành cả nước đều tham gia. Chúng tôi rất mong chờ tín hiệu từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế… Hiện các bác sĩ tại Quảng Ngãi, Bình Dương đã liên hệ, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ cách làm để dự án lan tỏa hơn, giúp được nhiều hơn bệnh nhân nghèo”.
Về dự án “Dĩa cơm trên tường”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (công tác tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM), người nghĩ ra ý tưởng này, cho biết khoảng trước Tết Ất Mùi 2015, nhiều người hay kể câu chuyện về “Ly cà phê trên tường”, rằng tại một quán nhỏ ở thành phố Venice (Ý) xinh đẹp, khách đến đây luôn gọi 1 ly cà phê cho mình và 1 ly tưởng tượng trên tường. Người phục vụ sẽ dán 1 bức ảnh ly cà phê lên đó và khách sẽ trả tiền luôn 2 ly cà phê. Những người lang thang không nhà nào đó có thể vào quán để lấy bức ảnh ly cà phê trên tường đổi lấy 1 ly cà phê thật. Câu chuyện ly cà phê bên dòng sông Venice đó đã được bác sĩ Hiển và 5 đồng nghiệp đem ra bàn khi ngồi ở quán cà phê bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Bác sĩ Hiển sôi nổi kể: “Chúng tôi muốn biến tấu ý tưởng “Ly cà phê trên tường” thành “Dĩa cơm trên tường” cho bệnh nhân nghèo”. Ngày 7-4-2015, dự án “Dĩa cơm trên tường” chính thức được thực hiện tại điểm đầu tiên là quán cơm Đức Toàn (quận 10, trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1). Rồi sau đó, bằng sự chung tay góp sức của các y, bác sĩ, các điểm phát cơm mới tiếp tục ra đời: Quán cơm Hoàng Vương (trước cổng chính Bệnh viện Chợ Rẫy, quận 5), quán cơm Hương Nam (quận 1), căn tin Bệnh viện Nhi đồng 2 và gần đây nhất tại căn tin Bệnh viện Trưng Vương (quận 10)... |
VÕ THẮM