“Tiếng nói” phân định thật - giả

Sau khi trang web của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) giới thiệu về phiên đấu giá ngày 14-3, nhầm lẫn bức tranh Cô gái chải đầu của họa sĩ Trần Tấn Lộc (1906-1968) thành của họa sĩ Trần Bình Lộc (1914-1941), một số chuyên gia mỹ thuật có ý kiến và nhà đấu giá này đã “sửa sai”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các chuyên gia thực địa và địa phương, cũng như cho thấy vài lỗ hổng chuyên môn ở một số nhà đấu giá quốc tế.
“Tiếng nói” phân định thật - giả

Đây không phải là sai sót ít gặp ở các nhà đấu giá quốc tế. Đơn cử như phiên đấu giá ngày 10-10-2021 của Sotheby’s Hong Kong, trong phần giới thiệu bức chấn phong L’image Traditionnelle d’une Maison de Paysan (tạm dịch Nhà xưa của nông dân), được gán cho của danh họa Nguyễn Văn Tỵ.

Họ ghi: “Bức này tương đương với bức Nhà tranh gốc mít (1958) đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội”. Chính cụm từ “tương đương với” mà nhà đấu giá Sotheby’s đưa vào phần giới thiệu cho bức Nhà xưa của nông dân một cách sai lệch, cẩu thả, khiến những ai quan tâm đến hội họa Việt Nam đều bức xúc. 

Đã có không ít ý kiến hơi hồ đồ và bi quan khi cho rằng chuyện này chỉ xảy ra với tranh Việt thôi, chứ quốc tế thì hiếm gặp. Thực ra, chưa hẳn như vậy. Nhu cầu làm giả, làm nhái ở đâu cũng có, các nước càng phát triển thì làm giả, làm nhái càng tinh vi, khó phát hiện hơn, nhưng khi đã phát hiện thì rất động trời. 

Trở lại với chuyện tranh giả tranh nhái của mỹ thuật Việt Nam, sở dĩ chúng ta thấy nhiều, là vì nó kéo dài hơn nửa thế kỷ qua, công và tư đều có liên quan ít nhiều, khó rạch ròi. Có một giai đoạn, tranh chép là được phép, vì mục đích trưng bày thay thế, vì quà tặng ngoại giao và vì cả quan niệm có tính lịch sử. Khi du lịch “mở cửa” hồi cuối thế kỷ 20, tranh giả tranh nhái càng được sức tung hoành, các đầu nậu vào cuộc “sản xuất” ồ ạt.

Gần 20 năm qua, việc lên án, phê phán tranh giả tranh nhái đã có ở nhiều nơi làm, nhưng hiệu quả không cao, đôi khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nhưng tình thế hiện nay đã khác nhiều, khi mạng xã hội giúp lan tỏa được nhiều ý kiến xác đáng đến với các nhà đấu giá, báo giới, cơ quan chức năng, nhất là có tính cảnh báo người mua. Sở dĩ mạng xã hội làm được như vậy, nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là các chuyên gia thực địa và địa phương, không có họ, tiếng nói sẽ khó có trọng lượng, sự thuyết phục.

Qua phân tích, chứng minh của giám tuyển mỹ thuật Ace Lê, Sotheby’s Hong Kong đã rút bức chấn phong Nhà xưa của nông dân ra khỏi phiên đấu giá ngày 10-10-2021. Cũng Ace Lê, rồi các nhà nghiên cứu như Kevin Vuong, Châu Hải Đường và dịch giả Anne Ng cùng chứng minh sự nhầm lẫn Trần Tấn Lộc thành Trần Bình Lộc, khiến các nhà đấu giá Asium, Aguttes phải sửa sai. Sức tác động nhanh, mạnh là vì ngoài các chứng cứ xác đáng, họ còn viết/dịch cùng lúc 3 thứ tiếng là Việt, Anh, Pháp để phản ánh và các nhà đấu giá sớm đọc được.

Trước đây, khi gặp tranh giả tranh nhái, chúng ta thường phản ánh khá chậm chạp, hơi quan cách, nặng tính công văn giấy tờ, nên kém hiệu quả. Hiện nay, các chuyên gia thực địa và địa phương đã đông hơn trước, họ làm việc có tính độc lập với đoàn thể, tổ chức nên nhanh nhạy, vô tư.

Nếu phải tính về số lượng, chỉ 4-5 năm trở lại đây, từ 5-6 người như trước đây, giờ đã có gần 30 chuyên gia, mà phải đến gần 1/2 trong số này xứng đáng là chuyên gia thực địa và địa phương. Họ có chuyên môn sâu, hoạt động sát sườn, nên không chỉ nắm bắt nhanh các vấn đề, mà còn hiểu được các khúc mắc đặc trưng của môi trường văn hóa - xã hội tại địa phương. Điều này thì chuyên gia ở các nhà đấu giá quốc tế khó so bì kịp.

Chính sự xuất hiện tự phát của các chuyên gia thực địa và địa phương này cũng gián tiếp cho thấy lỗ hổng về đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam. Có lẽ bên cạnh dạy sáng tác, lý luận phê bình và lịch sử mỹ thuật, cần mở thêm các bộ môn như thẩm định, định giá, giám tuyển… để bổ túc kịp thời các yêu cầu mới của đời sống mỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục