Tổ dân phố Tháp Bà, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nơi ông Ngô Văn Sáu hơn 38 năm nay, sáng chiều đều đặn mở lớp dạy đờn ca vọng cổ, để truyền lại cho các thế hệ sau. Cánh tay phải đã bị hủy hoại, phải mất hơn một năm khổ luyện ròng rã với bàn tay giả, ông Sáu mới tìm lại được âm thanh từ tiếng đờn. Mưu sinh bằng chiếc thuyền câu đơn độc xa bờ, ông vẫn nuôi dưỡng và sống trọn đời mình với niềm đam mê ấy.
Lớp học 3 - 4 người
Sau giải phóng, với cánh tay thương tật, ông Sáu không thể lao động như người bình thường, phải sống dựa vào nghề câu cá, mực để kiếm sống qua ngày. Năm 20 tuổi, niềm đam mê đờn ca tài tử đã cuốn hút ông vào con đường ca hát. Bậc cha chú trong gia đình truyền thụ cho ít vốn kiến thức về đờn ca, lại muốn trau dồi thêm nên ông Sáu nhiều năm đi theo các đoàn ca hát lưu diễn trong và ngoài tỉnh, nhờ vậy được trang bị thêm kiến thức và học nghề một cách bài bản hơn. Thuở trước, tuy Nha Trang chưa đẹp như bây giờ nhưng cá tôm ở khu vực gần bờ nhiều vô số, ông Sáu cũng vì vậy chọn nghề câu sinh sống. Dù căn nhà nhỏ không mấy cao sang, nhưng luôn ấm cúng và rộn rã tiếng cười. Chính tiếng đờn ca tài tử và cuộc đời sống không dựa vào sự bố thí ban ơn, đã làm nên mái ấm ấy.
Ngày hai buổi, sáng và chiều, học trò của ông Sáu đến nhà thầy để “học đạo”. Anh Phương, một học viên của thầy Sáu cho biết: “Chúng tôi đến đây học, vui vẻ và gần gũi lắm, thầy Sáu cũng vui tính nữa”.
Ông Sáu, dạy đờn ca để truyền lại chút nghề ca hát cho những người trẻ hơn mình và có đam mê hơn. Những ai sinh sống quanh khu vực tháp Bà Ponagar đều biết đến người đàn ông chơi đờn ca tài tử có nghệ danh Minh Quang. Ông Thanh, một người lái xe ôm cạnh Tháp Bà, giới thiệu: “Ông Sáu mở lớp dạy đờn ca tài tử lâu lắm rồi, chắc phải mấy chục năm ấy, ông ấy dạy học không lấy tiền của người khó khăn, và thu học phí rất thấp, chỉ khoảng 300 ngàn đồng/tháng, và mỗi năm cũng chỉ dạy 3 - 4 người”. Quả thực, ông sẵn lòng để người học “nợ” vì không có điều kiện kinh tế.
Theo tìm hiểu, lớp học đờn ca tài tử tại nhà ông Sáu là địa chỉ duy nhất ở TP Nha Trang dạy học môn nghệ thuật này. “Số lượng học viên của tôi mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu nhận đông người quá chỉ sợ không hoàn thành trách nhiệm. Dạy không đến nơi, người học đi biểu diễn hay hát cho ai nghe, bị chê cười là không được! Tôi dạy học, chuyện tiền bạc không quá quan trọng, người không có tiền tôi vẫn dạy”, ông Sáu cho biết. Những học viên trong lớp có thể đưa những người bạn có cùng đam mê với mình đến góp vui, ca hát trong giờ học.
Những thành viên trong lớp học của ông Sáu thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Người trước giới thiệu người sau, cứ như vậy, những thế hệ học trò của ông Sáu nối tiếp nhau, đi khắp mọi miền đất nước. Tiếng lành đồn xa, lớp học của ông cũng vì thế ngày một đông hơn. “Tôi không dám nhận là thầy, nhưng nhiều người đến học lắm. Người học chỗ tôi có người làm nhân viên bán hàng tạp hóa, có người là bốc vác, có người làm việc tại ngân hàng... Họ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đến học và cùng giao lưu với nhau cho vui”, ông Sáu vui vẻ kể về lớp học của mình.
Thời gian học không chỉ một năm, vì chỉ có 3 - 4 người/lớp nên các học viên có thể học lâu dài ở đây. Ông không giấu giếm dù chỉ một chút hiểu biết của mình về đờn ca tài tử, dù không qua trường lớp, và cũng chỉ vào miền Nam vài lần, nhưng giọng ca của ông luôn có sự thu hút. Thời gian học một ngày của các thành viên trong lớp kéo dài khoảng 180 phút. Người học trong 3 tháng có thể đờn vững vàng cho người khác hát, thông thạo 6 câu đờn và 6 câu kép cũng như “tam nam, lục bắc, thất bài, tứ quán” và nhịp điệu khác có phần biến tấu của đờn ca tài tử.
Niềm đam mê mãi bất tận
Sau khi trở về từ chiếc thuyền câu đã cũ, trời bỗng đổ mưa, đôi chân còn khỏe mạnh nên ông vội vã bước vào nhà, bỏ lại phía sau cơn mưa lớn đang bay ngang tháp cổ cùng bóng chiều đã bắt đầu lan dần khắp những con phố, ông nói: “Tôi sống bằng nghề đi câu đã 38 năm, cũng bằng với thời gian tôi dạy đờn ca tài tử. Học trò của tôi nhiều lắm, mỗi năm tôi chỉ dạy vài người, nhưng nếu cộng lại suốt mấy chục năm thì đông lắm đấy. Tôi cũng không nhớ hết nổi”.
Người đời biết đến ông Sáu với tên gọi bình dân Chín Chót, có nghệ danh Minh Quang. Ông vốn sinh năm 1952, quê gốc tại cù lao Xóm Bóng thuộc phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang, nhưng từ lâu, gia đình ông đã dời về phía sau lưng tháp Bà Ponagar sinh sống, sau khi Xóm Bóng xây dựng bờ kè, chỉnh trang đô thị. Hàng ngày ông Sáu vẫn đều đặn đi câu cá dò, cá dìa kiếm sống. Cuộc sống lệ thuộc vào tự nhiên nên cũng vô chừng, do đó chuyện bữa có, bữa không, cũng chẳng xa lạ. Có lẽ vì vậy, ông ưa cái nghề ca hát để xua đi phần nào nỗi mệt nhọc của cuộc mưu sinh cũng chẳng kém phần khó khăn, nghiệt ngã như bất kỳ ai khác. Cũng vì đam mê, ông và nhiều thành viên trong gia đình đã tìm đến với đờn ca tài tử. Được biết, 3 người con của ông là: Sơn, Thủy, Hạ, đều biết ca đờn ca tài tử để nối nghiệp cha.
Sau khi mất bàn tay phải, ông Sáu mất một năm trời khổ luyện, mới lấy lại được phần nào tiếng đàn xưa. Từ chiếc tay giả, ông đã cải biến, gắn một miếng nhựa vào phần đầu, biến nó trở thành dụng cụ để gảy đàn. Nếu chỉ nghe tiếng đàn của ông, không ai nghĩ những khúc nhạc đó được dạo lên từ một người đã mất đi bàn tay phải. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế cực kỳ khó khăn, vì bàn tay giả không có cơ, khớp, phải điều chỉnh cả cánh tay mỗi khi vào nhịp đàn. Trong một thời gian rất dài, tưởng chừng ông đã không vượt qua cái cảm giác mình là kẻ tàn phế, bỏ đi. Ông ôm lấy tiếng đờn, lời ca để khỏa lấp nỗi buồn thân phận. Vượt qua bao thăng trầm của kiếp người, ông vẫn sống lương thiện và nuôi dạy các con nên người. Thiết nghĩ, điều ấy đáng quý lắm.
Trời dần về khuya, tháp cổ Ponagar hiện lên với màu sáng huyền bí và vẻ đẹp hiếm gặp giữa phố phường hiện đại lung linh ánh đèn, căn nhà nhỏ của ông Sáu vẫn vang lên tiếng đờn ca ấm áp và lạc quan lúc đêm về.
ĐỨC THỌ