Trời Quảng Bình - Quảng Trị những ngày này nắng nóng như thiêu đốt. Trên những “tọa độ lửa” Khe Sanh, đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn, Hang Tám Cô… thấp thoáng bóng những người lính già quân phục chỉnh tề lặng người trong ký ức về Trường Sơn huyền thoại. Trên hành trình Trở lại chiến trường xưa do Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tổ chức từ ngày 10 đến 13-5, những ký ức ấy lại vọng về.
1. Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, cô văn công Vũ Thúy Lành (Đội trưởng Đội Văn nghệ Sư đoàn 968 quân tình nguyện Việt Lào, Bộ đội Trường Sơn) thắp nén nhang rồi đứng lặng trước mộ liệt sĩ Đặng Tính, Đại tá, Chính ủy Đoàn 559.
Nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt cô văn công năm nào. Cô nhớ lại: “Hôm đó, cả đội được lệnh chuẩn bị đêm văn nghệ phục vụ thủ trưởng Đặng Tính. Anh em chuẩn bị kỹ càng, chờ mãi nhưng không thấy thủ trưởng đến. Ngay sau đó, cả đội được tin xe của thủ trưởng trúng mìn hy sinh, ai cũng nước mắt nhạt nhòa”.
Cùng tâm trạng với những đồng đội khác vây xung quanh ngôi mộ của liệt sĩ Đặng Tính, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn bồi hồi: “Cùng đi trên chuyến xe ấy có các anh Vũ Quang Bình, Phó Chính ủy sư đoàn, quê Hải Phòng và Nguyễn Thúc Yêm, quê Nghệ Tĩnh. Tất cả đều nằm lại với núi rừng Trường Sơn”. Nói rồi, ông đưa chúng tôi đến mộ liệt sĩ Vũ Quang Bình và liệt sĩ Nguyễn Thúc Yêm nằm cùng hàng với liệt sĩ Đặng Tính. Bàn tay nhăn nheo của ông chạm vào bia mộ, nhẹ nhàng như sợ đồng đội tỉnh giấc…
2. Trở lại đường 20 Quyết Thắng, ông Lê Hồng Huân, chiến sĩ lái xe Trường Sơn nhớ lại câu chuyện về những ngày thử nghiệm vận chuyển vào ban ngày. Ông kể: “Mùa khô năm 1966 - 1967, địch bắn phá ngày càng ác liệt, đặc biệt là trọng điểm A-T-P. Lúc này, các đoàn xe của chúng ta chủ yếu đi vào ban đêm. Ban ngày, địch ít bắn phá hơn. Do vậy, chỉ huy Đoàn 559 quyết định cho thử nghiệm chạy xe ban ngày dù rất dễ bị lộ. Binh trạm 32 - nơi tôi công tác - được chọn làm đơn vị thực hiện. Hôm đó, chính đồng chí chính trị viên tiểu đoàn trực tiếp gặp tôi để giao nhiệm vụ. Với cương vị là tiểu đội trưởng, tôi thay mặt anh em lái xe trong tiểu đội nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Trước khi lên đường, đơn vị làm bữa liên hoan tiễn chúng tôi. Bữa liên hoan giữa rừng chỉ có nước chè, lương khô mà ấm tình đồng đội. Chúng tôi không gọi đó là buổi truy điệu sống vì chúng tôi lên đường với tâm thế thanh thản, lạc quan dù biết là khi ra đi có thể không có ngày trở lại”.
Đây là lần thứ 4 cô Đồng Thị Mai (cựu thanh niên xung phong Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc Hà Tây) quay lại chiến trường xưa nhưng sự bồi hồi, xúc động khi đi ngang từng địa danh trên chiến trường nơi mình cùng đồng đội chiến đấu ngày xưa vẫn dâng đầy trong cô. Đường 20 Quyết thắng đã được hình thành từ những bàn tay thanh niên xung phong, trong đó có trung đội công binh của cô. Ký ức về những lần vác mìn lên hang núi, đặt mìn phá đá để đá rơi xuống rồi lấy nghiền ra rải làm đường như hiện về khi chuyến xe chở cô về lại cung đường cũ. “Tôi thương những đồng đội đã hy sinh, để lại máu xương trên chiến trường, không được chứng kiến sự đổi thay, phát triển của đất nước. Nhiều chị khác khi hòa bình lập lại không thể có gia đình hoặc nếu có cũng không có được hạnh phúc làm mẹ bởi ảnh hưởng chất độc da cam”.
| |
3. Đêm Cha Lo se lạnh. Trời lất phất mưa. Giữa núi rừng Trường Sơn, câu chuyện của Thiếu tướng Phan Khắc Hy trong đêm giao lưu với các chiến sĩ Đồn biên phòng Cha Lo thật lắng đọng. Giọng ông trầm lắng: “Chiến tranh ở Trường Sơn là chiến tranh theo mùa. Mùa khô năm 1971, tướng Đồng Sỹ Nguyên giao cho tôi kiểm tra đường 12. Thời gian đó, đường 10, đường 12, đường 20 là những cung đường huyết mạch rất quan trọng. Trên đường 12 có những dãy núi đá vôi cheo leo hiểm trở, những ngọn núi bị bom gọt đầu khiến vôi, bụi bay đầy… Khi tôi đến binh trạm, cùng theo xe đi kiểm tra còn có binh trạm trưởng Khúc Trường Thành, đồng chí chính trị viên, một vệ binh, một đồng chí liên lạc và một lái xe. Mới 4 giờ chiều địch đã cho máy bay dội bom. Xe chúng tôi bị bom thổi bay mui. Chúng tôi yêu cầu bộ phận công binh báo cáo tình hình tuyến đường phía trước xem có bom từ trường hay không thì anh em báo lại là chỉ có bom nổ chậm. Vậy là tôi bàn với đồng chí Khúc Trường Thành: “Nếu là bom nổ chậm thì chúng ta quyết định đi qua thật nhanh”. Không ngờ, quả bom đó không phải bom nổ chậm mà là bom từ trường thế hệ thứ ba mà Mỹ mới đưa vào chiến trường Việt Nam. Khi anh lái xe vừa cho xe phóng qua thì bom phát nổ. Chiếc xe tung lên rồi lật úp xuống. Tôi ngất lịm đi, mặt loang đầy máu. Đồng chí Khúc Trường Thành bị gãy một cánh tay nhưng vẫn còn tỉnh táo chỉ huy . Khi chúng tôi được đưa về binh trạm cấp cứu thì anh Thành hy sinh. Nghe tin binh trạm trưởng hy sinh, binh trạm phó đang trên đường đi công tác tức tốc trở về cũng dính bom từ trường. Tôi quyết định ở lại cùng anh em…”.
ÁI CHÂN - MAI HƯƠNG
| |
- Thông tin liên quan:
>> Chùm ảnh: Đường Trường Sơn trên đất bạn Lào