Tiếp sức ngành công nghiệp hỗ trợ

Đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đáp ứng 45% nhu cầu nội địa và năm 2025 là 65%. Đây là mục tiêu hết sức kỳ vọng trong bối cảnh ngành CNHT của thành phố còn non yếu. Do vậy, thời gian tới, TPHCM sẽ áp dụng nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao năng lực sản xuất của ngành CNHT. 
Tăng tính hiệu quả 
Tính đến tháng 3-2018, UBND TPHCM đã phê duyệt 15 dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp, CNHT của doanh nghiệp ngành cơ khí, cao su - nhựa và lương thực thực phẩm, với tổng vốn đầu tư 938,049 tỷ đồng (tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 584,276 tỷ đồng). Trong đó, có nhiều doanh nghiệp bước đầu tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm linh kiện cho Công ty điện tử Samsung là Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần CNHT Minh Nguyên… 
Không dừng lại đó, sau khi Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND được ban hành và triển khai đến doanh nghiệp, Sở Công thương TPHCM đã tiếp nhận 11 hồ sơ dự án, xem xét thẩm định 9 dự án phù hợp đối tượng với tổng vốn đầu tư 943,184 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đã được UBND TP phê duyệt với tổng vốn đầu tư 221,975 tỷ đồng (vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 110 tỷ đồng).
Tiếp sức ngành công nghiệp hỗ trợ ảnh 1 Doanh nghiệp CNHT được hỗ trợ kết nối thị trường với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối tại “Ngày hội kết nối cung - cầu” do Sở Công thương TPHCM tổ chức
Ngoài ra, để chủ động nguồn vốn hỗ trợ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, Sở Công thương còn phối hợp Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Theo đó, xây dựng kế hoạch khuyến khích các tổ chức tín dụng, định chế tài chính hình thành các gói tín dụng phục vụ cho đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất lĩnh vực CNHT. Mặt khác, sở cũng ký bản ghi nhớ với VietinBank dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho CNHT. 
Quý 1-2018 cũng được ghi nhận có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp CNHT kết nối thị trường cung cầu với hàng loạt hoạt động thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia. Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM xây dựng cổng cơ sở dữ liệu về CNHT (http://csid.gov.vn), cập nhật đầy đủ 22 trường thông tin của 530/860 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Từ cơ sở dữ liệu này, trung tâm đã làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Đức Long, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) đón 10 lượt khách đến tham quan cũng như tổ chức đoàn doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư tại Hồng Công (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu nhu cầu và thông tin lẫn nhau, tạo nền tảng để hợp tác kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới.
Đặc biệt, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2018” với hơn 230 cuộc tiếp xúc, kết nối trực tiếp giữa 17 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối (thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô và cơ khí chế tạo) với khoảng 80 doanh nghiệp CNHT của Việt Nam.
Riêng nhu cầu thuê đất, xây dựng nhà xưởng phù hợp với quy mô đầu tư của doanh nghiệp CNHT, sở cũng đã làm việc trực tiếp với Ban quản lý các khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố. Đến nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như Tân Thuận, Hiệp Phước, Đông Nam, Linh Trung… đã có kế hoạch xây dựng phân khu CNHT hoặc nhà xưởng cao tầng với giá thành hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất với diện tích nhỏ của DN CNHT. 
Hỗ trợ sát thực tế 
Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu sử dụng sản phẩm CNHT trong nước rất lớn. Chỉ tính riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần 15.000 máy cấy, máy xử lý rơm. Hiện máy sản xuất trong nước chất lượng ngang máy ngoại nhập chỉ có giá 150 triệu đồng/máy. Tuy nhiên, do nguồn cung nội địa không đủ, nông dân buộc phải mua máy ngoại nhập với giá thành cao hơn gấp nhiều lần, 500 triệu đồng/máy. TPHCM đang có lợi thế phát triển ngành CNHT, do vậy, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp thành phố phát triển, cần thiết hình thành thêm một trung tâm CNHT vùng để tăng khả năng kết nối trong khu vực và cả nước. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tham gia trong quá trình thiết kế, triển khai phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu phát triển thực tế, đảm bảo khi doanh nghiệp vào hoạt động có thể đạt hiệu quả cao.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công thương TPHCM, cho biết hiện sở đang hoàn chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý cho Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và CNHT. Đồng thời, tiếp tục rà soát các văn bản dự thảo liên quan để trình UBND TP về nghị quyết của HĐND TP cho chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở ngành, đơn vị tiếp tục triển khai các chương trình, đề án theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, trọng tâm xây dựng chương trình phát triển CNHT trên địa bàn TPHCM đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển CNHT; triển khai chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp - CNHT tiêu biểu của TP năm 2018; xây dựng phân khu và cơ sở dữ liệu CNHT; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp CNHT và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, TPHCM đã và đang thực hiện những chính sách hỗ trợ khá sát thực tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, để doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ… đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục