Những ngày dịch Covid-19 hoành hành ở TPHCM, ai cũng có thể là F0, F1, F2 và dường như mọi người cũng đã sẵn sàng cho tình huống ấy. Vậy nhưng khi trở thành F nào đó, nhất là những F càng có nguy cơ cao thì tâm lý cũng có chút lo lắng. Tôi nằm trong hàng chục ngàn F2 ở TPHCM nên phải cách ly tại nhà. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, để những người tôi từng tiếp xúc tự theo dõi sức khỏe của bản thân, qua mạng xã hội và tin nhắn, tôi thông báo mình là F2 và đang thực hiện cách ly tại nhà theo yêu cầu của địa phương.
Ngay sau khi đăng tin, hàng loạt tin nhắn gửi về điện thoại, hộp thư điện tử của tôi. Nội dung không phải là sự trách cứ tôi bất cẩn để trở thành F mà là những tin nhắn động viên. Đại đa số là tin nhắn hỏi thăm tình hình sức khỏe và hỏi xem tôi có nhu cầu cần tiếp tế đồ ăn gì không. Người thân, bạn bè cũng sẵn sàng hỗ trợ thực phẩm để tôi yên tâm ngồi yên trong nhà.
Không riêng tôi, những người tôi quen biết khi chẳng may rơi vào diện phải cách ly hoặc nằm trong vùng bị phong tỏa cũng đều nhận được những tin nhắn quan tâm ấy. Sự quan tâm không phải kiểu xã giao, nhắn cho có mà tôi cảm nhận ở đó sự chia sẻ chân thành.
Có người bạn từng nói, không ai biết trước khi nào mình cũng nằm trong diện phải cách ly, hà cớ gì không đối đãi tử tế với nhau để thấy cuộc đời thật đẹp, để có thêm tinh thần mà vượt qua những giai đoạn khó khăn này. Bạn bảo, khi mình còn được đi lại, còn được bước ra khỏi cánh cửa nhà, có nghĩa mình có thêm trách nhiệm giúp đỡ người khác, dù quen biết hay xa lạ. Nhìn rộng hơn, đó là trách nhiệm công dân để thành phố mau khỏe, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Những ngày này đường phố vắng tanh, ai thực sự có việc cần thiết mới ra ngoài đường và những ai buộc phải ở yên trong nhà, giao lưu với thế giới qua internet, mạng di động sẽ cảm nhận được, những tin nhắn ấy có ý nghĩa như thế nào. Nó không chỉ đơn thuần là trò chuyện, là trao đổi mà là những thông điệp, sự gửi gắm của mọi người tiếp sức cho chúng tôi vượt qua dịch bệnh.