Tiếp tục giảm lạm phát, tập trung cứu sản xuất

Tăng trưởng khó đạt 6%
Tiếp tục giảm lạm phát, tập trung cứu sản xuất

Tại diễn đàn doanh nghiệp (DN) “Giải pháp thị trường: thông điệp chính sách và thực tiễn DN” do báo Sài Gòn tiếp thị tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Công thương và UBND TPHCM được tổ chức tại TPHCM ngày 19-4, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù đánh giá nền kinh tế Việt Nam chưa đến mức suy thoái vì tăng trưởng GDP trong quý 1-2012 khoảng 4% nhưng thực sự nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ, đình đốn ở nhiều lĩnh vực, trên nhiều bình diện.

Sản xuất thực phẩm chế biến tại Công ty Vissan. Ảnh: Thanh Tâm

Sản xuất thực phẩm chế biến tại Công ty Vissan. Ảnh: Thanh Tâm

Tăng trưởng khó đạt 6%

Đưa ra cái nhìn tổng quan nền kinh tế thế giới, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng tình hình kinh tế thế giới năm nay rất khó dự đoán nhưng tình hình chung là sẽ tăng trưởng thấp và còn nhiều rủi ro. Về kinh tế Việt Nam, ông Thành nhận định: Chưa bao giờ khó khăn như bây giờ! Nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ, đình đốn ở nhiều lĩnh vực.

Ông Thành đưa ra các dẫn chứng như: nhập khẩu xăng dầu giảm 20%, sức mua giảm liên tục trong 7 tháng qua, hàng tồn kho tăng.

Ông Thành cũng đưa ra nhận định, có thể quý 1-2012 sẽ là “đáy” của sản xuất kinh doanh trong năm nay, tăng trưởng kinh tế năm 2012 sẽ khó đạt mục tiêu 6%. “Về trung hạn nước ta đang muốn ổn định lạm phát năm 2012 khoảng 5%-6% nhưng nếu việc nới lỏng lãi suất không chuẩn mực thì lạm phát năm sau có thể quay lại 14%-15%”- ông Thành cảnh báo.

Theo ông Thành, rủi ro lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam chứ không phải là lạm phát, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán hay dự trữ.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, chưa bao giờ thị trường vốn lại méo mó và phức tạp như hiện nay. Trong suốt 4 năm qua, Việt Nam trong tình trạng lạm phát, giảm phát rồi lạm phát nên đã gây ra nhiều hệ lụy: thanh khoản ngân hàng, thanh khoản nền kinh tế gặp nhiều khó khăn làm cho DN phá sản ngày càng nhiều. Trong quý 1-2012, việc kiềm chế lạm phát đã thành công theo đúng mục tiêu đặt ra, tuy nhiên cũng phát sinh nhiều hệ lụy.

Theo ông Kiêm, vẫn phải chống lạm phát, đảm bảo mục tiêu 8%-9% vì nếu xuống quá thấp hay quá cao đều nguy hiểm. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ vẫn phải giảm lạm phát mà còn phải cứu sản xuất để giảm bớt sự phá sản của DN, tạo thêm thời cơ cho DN trụ lại, vượt qua để phát triển. Vì nếu DN phá sản nhiều sẽ kéo theo lao động giảm và hàng loạt những hệ lụy sau đó sẽ gây ra hệ lụy cho xã hội. Và để làm được điều này, ông Kiêm cho rằng, phải có sự điều chỉnh về chính sách cũng như quan điểm chỉ đạo.

Tại diễn đàn, ông Thành cũng thông tin rằng, tuần qua Chính phủ đã có 3 cuộc họp, theo đó sắp tới Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Tuy nhiên, theo ông Thành, chỉ có những “gói hỗ trợ” cho DN, trong đó đặc biệt là DN vừa và nhỏ chứ không phải “gói giải cứu” cho DN một cách mạnh mẽ, toàn diện như trong năm 2009 vì nguồn lực Nhà nước hiện không bằng 2009. Các DN nếu muốn làm ăn dài hạn và bài bản thì phải tập trung vào tất cả những ý tưởng mới về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thân thiện với xã hội.

Chỉ 30% DN tiếp cận được vốn ngân hàng

* TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương:

"NHNN cần có sự công bố minh bạch lãi suất trung bình để gây sức ép cho ngân hàng về sự bất hợp lý giữa huy động và cho vay"

Liên quan đến giải pháp vốn cho DN trong bối cảnh hiện nay, ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, thị trường khó khăn đang dồn các gánh nặng lên DN vừa và nhỏ.

Ông Hải cũng thừa nhận, mặc dù các ngân hàng thương mại xem DN nhỏ và vừa là khách hàng quan trọng nhưng việc các DN tiếp cận được vốn vay của ngân hàng thực tế không dễ dàng. Khảo sát của ACB cho thấy chỉ có 30%-35% DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, 30% cho rằng khó tiếp cận và 30% còn lại không thể tiếp cận được và phải sử dụng nguồn vốn vay bên ngoài.

Theo ông Hải, nguyên nhân chính mà các DN không tiếp cận được vốn không phải do lãi suất mà vì thủ tục rườm rà, DN không có đủ tài sản thế chấp và không chứng minh được thu nhập.

Tại diễn đàn, các DN cũng đề cập về việc trần lãi suất huy động của ngân hàng đã giảm xuống 12%, tuy nhiên vẫn có rất nhiều ngân hàng huy động mới mức cao hơn nhiều và lãi suất cho vay vẫn rất cao.

Theo TS Võ Trí Thành: lãi suất phản ánh độ khan hiếm của vốn. Lãi suất bị kìm nén sẽ không phản ánh đúng, làm méo mó thị trường vốn, nguồn lực phân bổ không hiệu quả. Ông Thành cũng thừa nhận hiện vẫn còn một thị trường tín dụng phi chính thức nằm trong một thị trường chính thức. Ông Thành cho biết, ngay cả khi NHNN hạ lãi suất trần huy động xuống 12%/năm, thực tế một số ngân hàng huy động vẫn có mức huy động với lãi suất đến 17% và cho vay với lãi suất 22%/năm.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục