Tiếp tục hỗ trợ đồng bào vùng lũ

Bảo đảm không học sinh nào phải bỏ học do thiếu sách vở

(SGGP).- Ngày 26-10, UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa thẳng về các huyện 2.000 tấn gạo và 22 tỷ đồng để các địa phương khắc phục hậu quả bão lụt, không để người dân nào bị đói.

Cụ thể hỗ trợ huyện Minh Hóa 200 tấn gạo và 8 tỷ đồng, Tuyên Hóa 300 tấn gạo và 10 tỷ đồng, Quảng Trạch 450 tấn gạo và 12 tỷ đồng, Bố Trạch 300 tấn gạo và 10 tỷ đồng, Quảng Ninh 300 tấn gạo và 10 tỷ đồng, Lệ Thủy 400 tấn gạo và 11 tỷ đồng, thành phố Đồng Hới 50 tấn gạo và 5 tỷ đồng. 

Sáng 26-10, thông qua Báo SGGP, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) đã tặng đồng bào vùng lũ miền Trung  50 triệu đồng. Được biết, số tiền nói trên do toàn thể cán bộ công nhân viên công ty tình nguyện trích từ tiền lương.

Cùng ngày, Báo SGGP đã trao Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam 39 chiếc giường đôi trị giá trên 60 triệu đồng để chuyển đến đồng bào miền Trung. Số giường này của Trường ĐH Nguyễn Trãi (văn phòng tại TPHCM) đóng góp.

Ngày 26-10, tại Nghệ An bắt đầu có mưa do không khí lạnh tăng cường nên ảnh hưởng ít nhiều đến công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, công tác cứu trợ… Tại Nghệ An đã thành lập 200 đội thanh niên tình nguyện với trên 6.500 đoàn viên thanh niên khắc phục hậu quả lũ lụt. Các đội thanh niên này sẽ tập trung sửa chữa nhà cửa giúp các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, dọn dẹp trường học, làm sạch vệ sinh môi trường… Hơn 6.000 lít hóa chất, 500.000 liều vaccine dịch tả đã được phân phát về các vùng lũ để làm công tác tiêu trùng khử độc. Chi cục Thú y cũng đã chuẩn bị 500.000 liều vaccine tụ huyết trùng để tiêm phòng cho trâu, bò sau lũ…

Sở Y tế TPHCM đã cử đoàn 16 y bác sĩ ra khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng lũ tại Nghệ An. Dự kiến, trong 1 tuần đoàn sẽ khám, cấp thuốc cho 6.000 người tại các vùng bị ngập lụt nặng là Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc.

Ngày 26-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bạo (51 tuổi - phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), mẹ của hai anh Nguyễn Văn Trọng (26 tuổi) và Nguyễn Duy Thành (17 tuổi) gặp nạn ngày 23-10 tại vùng biển Đông Hòa (Phú Yên) và trao số tiền 18 triệu đồng hỗ trợ gia đình hai nạn nhân. Trước đó, khoảng 4 giờ sáng 23 -10, tàu cá BĐ 10672TS của ngư dân Bình Định hành nghề lưới giã cào trên vùng biển thuộc huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã bị sóng lớn đánh chìm. Vụ tai nạn khiến 2 anh Trọng và Thành bị mất tích, hai ngày sau  mới tìm thấy thi thể.

Nhóm PV

Bảo đảm không học sinh nào phải bỏ học do thiếu sách vở

(SGGP).- Hôm qua 26-10, Bộ GD-ĐT công bố thiệt hại của ngành giáo dục ở 3 địa phương bị lũ lụt là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong đợt lũ vừa qua. Theo đó, ngành giáo dục thiệt hại hơn 700 tỷ đồng, riêng số lượng sách giáo khoa bị mất lên tới 383.000 bộ.

Hầu hết sách giáo khoa (SGK), vở và đồ dùng học tập đều bị nước lũ cuốn trôi. Cùng với đó, hàng loạt trường học, nhà ở giáo viên, bàn ghế,  thư viện, thiết bị dạy học, máy vi tính.. bị hư hỏng. Ngay sau khi nước lũ rút, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức in bổ sung SGK và cung cấp SGK cho các học sinh. Đến nay, Nhà xuất bản đã hoàn thành việc in sách, sẵn sàng cung cấp đủ SGK cho các tỉnh.

Vừa qua, đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành gửi hỗ trợ về cho các tỉnh bị thiệt hại, tổng hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho hay, với những thiệt hại kể trên, ngành giáo dục không thể “gánh vác” nếu không có sự chung tay của toàn xã hội.

Chiều qua, 26-10, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp khẩn thông báo tình hình thiệt hại và kêu gọi sự giúp đỡ đến các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNICEF và UNESCO, Tổ chức cứu trợ trẻ em Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, mục tiêu trước mắt của ngành là bảo đảm tất cả học sinh có đủ SGK, vở học tập, không một học sinh nào phải bỏ học vì thiếu sách vở.

Về việc học sinh miền Trung vừa qua phải nghỉ học dài ngày do lũ,  trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, kế hoạch năm học mà Bộ GD-ĐT ban hành có khoảng 2 tuần dự trữ, chính là để nhà trường có khả năng điều chỉnh chương trình học tập trong các trường hợp thiên tai địch họa. Việc điều chỉnh chương trình học cho các em học sinh bị lũ lụt là hoàn toàn khả thi, các Sở GD-ĐT căn cứ tiến độ khắc phục hậu quả cơn lũ sẽ hướng dẫn các nhà trường có điều chỉnh.

Ph.Thảo

Quảng Nam: Dịch SXH diễn biến phức tạp

Chiều 26-10, ông Võ Quang Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tốc độ lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng, so với cùng kỳ năm 2009 là 2,2 lần. Đã có 11/18 huyện, thành phố có dịch bệnh, trong đó TP Hội An 555 ca, Điện Bàn 378 ca, Núi Thành 256 ca, Thăng Bình 195 ca, Tam Kỳ 190 ca, Duy Xuyên 178 ca, Nông Sơn 103 ca và Đại Lộc 98 ca…

>> Gạo cứu trợ đến vùng lũ

>> Tình người trong lũ dữ

Tin cùng chuyên mục