Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Việt Nam đang ứng phó với làn sóng dịch Covid-19 lớn nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện vào đầu năm 2020. Ở trong nước, tình trạng lây nhiễm cộng đồng đã có ở nhiều địa phương, với sự xuất hiện của các biến chủng virus đến từ Anh, Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với virus “gốc”. 

Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập qua người nhập lậu đến từ các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Campuchia… cũng rất lớn. Bên cạnh đó, những rủi ro về việc lây nhiễm dịch bệnh từ chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam từ nước ngoài trở về luôn hiện hữu (minh chứng rõ nhất là các ca bệnh ở Yên Bái, Hà Nam gần đây).

Áp lực phòng chống dịch chỉ giảm khi người dân được tiêm vaccine Covid-19. Nhưng đến nay, cả nước mới có hơn 900.000 người được tiêm vaccine, chưa đầy 1% dân số.

Phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm, kiên định thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát, có biện pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hiệu quả phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh...

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020).

Sau cả năm 2020 chống chọi với dịch Covid-19, con số doanh nghiệp thất bại, rời khỏi thị trường từ đầu năm đến nay lớn như vậy là điều những nhà làm chính sách tiếp tục phải suy nghĩ. Điều đó cho thấy, để thực hiện được mục tiêu kép, doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ để tiếp tục cầm cự, vượt qua khó khăn. 

Nếu chúng ta chống dịch bằng cách phong tỏa triệt để thì có thể chống được dịch nhưng nền kinh tế sẽ khó khăn, doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa nhiều hơn, tạo gánh nặng lên ngân sách, từ đó ảnh hưởng đến các khoản chi đã được lên kế hoạch. Mặt khác, Việt Nam cũng không đủ tiềm lực kinh tế để “tắt” sự vận hành của nền kinh tế trong khoảng thời gian vài tháng mà không ảnh hưởng đến những nhóm người thu nhập thấp, dễ bị tổn thương.

Vậy, phát triển kinh tế ra sao trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan rộng? Tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 tiếp tục gia hạn thời hạn nộp các loại thuế: giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021 với tổng cộng khoảng 115.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 về thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính phủ cũng đã giao Bộ LĐTB-XH chủ trì sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết số 42/NQ-CP và số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (gói 62.000 tỷ đồng) và báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15-5.

Các giải pháp hỗ trợ đã hoặc sẽ triển khai trên cơ sở điều chỉnh những bất cập trước đó cùng với yêu cầu của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, bất cập mang đến những hy vọng về sự tiếp sức hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.

Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém các giải pháp hỗ trợ, đó là thái độ hành xử của các địa phương. Tại cuộc họp trực tuyến về chống dịch mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình người đứng đầu các địa phương, bệnh viện xảy ra ổ dịch đã lơ là chủ quan, mất cảnh giác, không thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch. Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ.

Để nền kinh tế vận hành tốt hơn trong bối cảnh bình thường mới thì việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch cần phải được làm nhanh nhất có thể, đúng trọng điểm, không tác động tiêu cực quá lớn đến đời sống của người dân, hoạt động kinh doanh trong một tỉnh hay liên tỉnh.

Làm tốt việc này, cộng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả thì hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị xáo trộn lớn, chúng ta mới có thể chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục