Giáo dục để tạo thói quen, nếp nghĩ tiết kiệm thì tốt nhất là ngay từ nhỏ. Đứng dậy ra khỏi phòng: tắt hết đèn, quạt máy; mở nước xài xong: khóa lại kỹ, không để nước rò rỉ gây lãng phí; ăn uống: không bỏ mứa…
Tôi có một người bạn thân đã trên 50 tuổi, luôn có thói quen tiết kiệm (không phải keo kiệt). Chị luôn mua thức ăn đủ dùng cho gia đình, không bỏ phí từng tờ giấy dư, dạy con xong một năm học, tập còn dư giấy trắng thì rọc ra đóng lại làm tập nháp hoặc tập ghi chú lời thầy cô giảng.
Đến nhà chị, đứa con gái 10 tuổi làm nước cho khách xong, trước khi bưng khay nước lên phòng khách, bé tự động tắt đèn bếp. Còn mẹ bé chỉ mở đèn đủ sáng, khách vừa ra cửa thì cũng tắt luôn đèn, quạt. Chị bảo gia đình chị từ nhỏ đã tập con cái thói quen tiết kiệm.
Tiết kiệm thức ăn, tập vở, đồ dùng học tập… tự dưng hình thành luôn thói quen tiết kiệm điện, nước. Ngược lại, nhiều người thường muốn chứng tỏ sự phong lưu đài các qua cách phung phí trong ăn uống, tiêu xài. Họ cho rằng sống phải biết hưởng thụ, nhưng đã nhầm lẫn hưởng thụ với phung phí.
Tuy nhiên tại một số trường học, không ít giáo viên buộc học sinh (HS) khi viết bài còn nửa trang giấy trắng phải bỏ, chép bài học mới ở một trang khác, cho rằng bài mới viết nửa trang còn lại là không đẹp. Có giáo viên buộc bao tập theo màu mình ấn định, lỡ mua màu khác cũng phải bỏ đi. Nhiều trường buộc HS may mặc đúng y kiểu nhà trường thiết kế, bao tập đúng giấy mẫu, bọc nhựa đúng “chuẩn” nhà trường bán… Trong lớp, giáo viên viết bảng, thỏi phấn gãy nửa cũng không hề cúi xuống nhặt lên xài tiếp để đỡ tiền mua phấn của HS. Vì thế, giờ ra chơi HS lấy phấn ném nhau không hề tiếc.
Theo tôi, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy dạy con tính tiết kiệm trong ăn uống, tiêu xài, có dư tiền nên bỏ ống heo để phụ ba mẹ mua tập vở, quần áo. Nhà trường không nên đòi hỏi HS quá khắt khe về đồng phục, tập vở. Giáo viên phải thể hiện tính tiết kiệm từ cách xài phấn đến chấm tập HS. Thực tế chất lượng giáo dục nằm trong trí tuệ, nhân cách, khả năng truyền đạt của giáo viên, khả năng tiếp thu của HS… chứ không nằm trong bộ đồng phục hay quyển tập được bao bọc theo “chuẩn” của nhà trường.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Đã đến lúc tiết kiệm triệt để
Xăng dầu lại vừa tăng giá. Giá hàng hóa ắt sẽ tiếp tục nhảy vọt trong thời gian tới. Để ngân quỹ gia đình không bị “kiệt quệ”, chúng ta cần phải tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm xăng dầu.
Trước đây chúng ta có thói quen đi lại bằng xe gắn máy, cách nhà chỉ 100m cũng dắt xe ra chạy. Bây giờ nên thay đổi, chúng ta phải biết tiết kiệm cho bản thân mình, gia đình và xã hội bằng việc hạn chế đi lại bằng xe gắn máy. Mỗi sáng đến cơ quan, nếu có thể nên đi chung với người thân, bạn bè (2 người), thay vì “một người một ngựa” như trước. Không có việc gấp, hoặc nhà gần thì nên đi bộ tốt hơn, vừa tiết kiệm ngân quỹ vừa rèn luyện sức khỏe, an toàn mà còn giúp hạn chế tình trạng kẹt xe. Hoặc chúng ta có thể dùng xe buýt làm phương tiện đi làm, đi mua sắm, đi công việc hay đơn thuần là đi chơi. Giá vé một lượt đi xe buýt nội thành là 4.000 đồng, nhưng nếu mua vé tập chỉ có 3.000 đồng/lượt. Tính ra một tháng có thể giảm được gần nửa tiền so với tiền xăng đi xe gắn máy. Người nước ngoài vẫn chọn phương tiện này để đến cơ quan, ta cũng nên học theo họ để tiết kiệm.
Xe đạp cũng là một phương tiệc đi lại phổ biến từ xưa đến nay. Tuy nhiên do xã hội phát triển, mọi người sắm được xe gắn máy nên quên đi xe đạp. Chúng ta hãy dẹp bỏ thói quen thích đi xe xịn, đắt tiền; hoặc thấy người ta đi xe gắn máy bóng loáng, không lẽ mình cọc cạch trên “con ngựa sắt”. Đó là suy nghĩ thiển cận, sai lầm. Đừng quan tâm đến người khác như thế nào, mà hãy suy nghĩ hướng tích cực cho bản thân trong thời buổi giá tăng, lương giậm chân tại chỗ. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới vẫn đi xe đạp, đi xe buýt, tàu điện ngầm đến cơ quan đấy thôi. Để hình ảnh này được phổ biến rộng rãi hơn, thiết nghĩ các lãnh đạo ở ta, khi không có việc khẩn nên đến cơ quan bằng các phương tiện tiết kiệm xăng để khuyến khích và làm gương cho người dân.
ĐẶNG TRUNG THÀNH
>> Nâng cao hiệu quả đầu tư công