Bài 1: Công nghệ sản xuất lạc hậu

Áp đảo!

Áp đảo!

10% cơ sở công nghiệp nước ta có công nghệ sản xuất hiện đại, số còn lại mới đạt mức trung bình và trung bình khá. Điều đáng nói là yếu tố này đã và đang đặt doanh nghiệp đứng trước những thách thức của quá trình hội nhập như năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao. Và hệ quả là sản phẩm sản xuất ra thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

52% công nghệ lạc hậu và rất lạc hậu

Áp đảo! ảnh 1

Dây chuyền cán thép lạc hậu tiêu thụ rất nhiều điện. Ảnh: Thành Tâm

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, 80% – 90% công nghệ trong các cơ sở công nghiệp của nước ta là công nghệ ngoại nhập. Các công nghệ này có tuổi đời khá lớn, hay nói chính xác hơn là tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Cụ thể, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ 1960 – 1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% là thiết bị tân trang.

Tính chung cho các doanh nghiệp, mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10%, mức trung bình chiếm 38%, lạc hậu và rất lạc hậu chiếm tới 52%. Cá biệt, ở khu vực sản xuất vừa và nhỏ, thiết bị ở mức lạc hậu và rất lạc hậu chiếm tới 70%. Kết quả kiểm tra trình độ công nghệ một số ngành tại Đồng Nai cho thấy, trình độ công nghệ ngành cơ khí đạt trung bình khá; hóa chất và chế biến thực phẩm đạt khá; điện tử – công nghệ thông tin, dệt may, vật liệu xây dựng đạt mức trung bình.

Còn kém nhất là tỉnh Gia Lai với ngành cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin đạt loại kém, còn chế biến nông lâm sản và vật liệu xây dựng chỉ đạt mức trung bình... Riêng tại TPHCM – vốn được đánh giá là TP có nền công nghiệp phát triển đứng đầu cả nước, cho thấy trình độ công nghệ sản xuất cũng ở mức trung bình. Cụ thể công nghệ ngành cơ khí, chế biến thực phẩm chỉ đạt mức trung bình; hóa chất, điện tử – công nghệ thông tin, dệt may, da giày, nhựa và cao su đạt trung bình khá.

Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp TPHCM cho biết, trên toàn TP hiện có khoảng 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp tăng 13% năm. Trong số đó, chỉ có 10% cơ sở sản xuất có trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến ở mức ngang với trình độ các nước trong khu vực. Cụ thể là 21/212 cơ sở thuộc ngành dệt may, 4/40 cơ sở ngành da giày; 6/68 cơ sở thuộc ngành hóa chất, 14/144 cơ sở chế biến thực phẩm, 18/96 cơ sở cao su nhựa, 5/46 cơ sở chế tạo máy… có trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.

Tăng ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng

Tại hội thảo về đánh giá tình hình thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”, ông Phạm Hữu Giục, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, sự chậm đổi mới công nghệ và cách thức quản lý sử dụng hiệu quả năng lượng chưa phù hợp, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (hiện đang chiếm 95% tổng số doanh nghiệp trong toàn quốc) đang làm tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng và ô nhiễm môi trường; tăng giá thành sản phẩm, hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngay ở thị trường trong nước lẫn thế giới.

Ông Mai Thanh Bình, Công ty cổ phần Việt Kim cho biết, dẫn chứng từ một phép tính nhỏ về việc sử dụng công nghệ điều hòa không khí hiện đại tiết kiệm điện Daikin với máy điều hòa không khí cũ không tiết kiệm điện tại khách sạn Victory TPHCM cho thấy, cùng trong 115 giờ, phòng sử dụng máy điều hòa không khí inverter tiết kiệm điện Daikin tiêu thụ gần 32.000W điện. Trong khi đó, phòng sử dụng máy điều hòa không khí non – inverter không tiết kiệm điện tiêu tốn đến hơn 84.000W điện, cao hơn 62% chi phí điện năng tiêu thụ.

Còn tại Công ty TNHH SX TM giấy Thiên Trí, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 830 tấn than và gần 1 triệu kWh điện. Tuy nhiên, nếu chỉ cần áp dụng một số biện pháp cải tiến công nghệ như quản lý năng lượng điện, nhiệt theo từng khu vực; cải thiện hệ thống điều hòa nhiệt độ; lắp bộ tiết kiệm điện Powerboss cho hệ thống máy nghiền đĩa; lắp biến tần cho hệ thống bơm chân không và hệ thống quạt lò hơi thì mỗi năm có thể tiết kiệm được hơn 53.000 tấn dầu tương đương, giảm thải hơn 240 tấn CO2.

Tương tự, đối với DNTN nhuộm Thuận Hưng – một trong những ngành được đánh giá có mức độ tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm lớn, trung bình mỗi năm tiêu tốn khoảng 150 tấn than và gần 2,5 triệu kWh điện. Nếu áp dụng một số giải pháp nhằm cải tiến công nghệ sản xuất hiện hữu như lắp biến tần cho hệ thống máy nén khí, bơm dầu tải nhiệt, hệ thống quạt hơi, máy nhuộm, quạt hút ẩm; tận dụng nhiệt khói thải để gia nhiệt cho dầu FO hoặc nước cấp hoặc không khí đốt; lắp bảo ôn cho đường ống hơi, bồn chứa; lắp inverter cho máy nghiền và cải tạo hệ thống chiếu sáng thì mỗi năm cũng tiết kiệm được hơn 200.000 tấn dầu tương đương và giảm thải gần 920 tấn CO2… Vậy nếu chỉ cần sử dụng công nghệ hiện đại hơn, các doanh nghiệp có thể tiết giảm đáng kể chi phí đầu vào sản xuất, nâng cao đáng kể khả năng cạnh tranh của mình so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Thế nhưng, trên thực tế tốc độ triển khai đổi mới công nghệ mới trong doanh nghiệp rất chậm, khoảng 10% – 11%. Chi phí dành cho đầu tư công nghệ mới của các doanh nghiệp cũng rất ít, khoảng 0,3% doanh thu/năm và chủ yếu là mua thiết bị, cải tiến máy móc phần cứng. Nhu cầu công nghệ và chuyển giao công nghệ cũng mới chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp quốc doanh trung ương theo hình thức công ty mẹ chuyển giao cho công ty con. Còn khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có nhu cầu đổi mới nhưng lại bị hạn chế về quy mô, năng lực công nghệ và tài chính. Điều này đã hạn chế việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

Bài 2 sẽ đăng trên trang “Tiết kiệm năng lượng” vào ngày 10-10-2007

MINH MẪN

Tin cùng chuyên mục