Tiêu chết hàng loạt, dân trồng lao đao

Trong năm 2018, tình trạng tiêu chết lại tái phát trên địa bàn tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 1.000ha, nguyên nhân chủ yếu do mưa ngập làm thối rễ. Đời sống người trồng tiêu đang gặp vô vàn khó khăn. 

Trắng tay

Vài năm trước, tình trạng tiêu chết diễn ra nhiều ở 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) khiến 2 thủ phủ về hồ tiêu trở nên tiêu điều. Người trồng phải bán nhà hoặc bỏ xứ đi làm ăn xa để kiếm tiền trả nợ. Năm nay, tình trạng tiêu chết lại tái diễn và lan rộng ra nhiều địa phương khác khiến nông dân đã khó càng thêm khổ.

Đi dọc con đường nhựa từ thôn 1 vào thôn 2, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thấy 2 bên đường cây tiêu chết la liệt, nhiều vườn cây khô còn bám nguyên trên trụ. Vườn tiêu 0,5ha của ông Đoàn Quyết Thắng (thôn 2, thị trấn Ia Kha) trồng vào năm 2016, đang cho thu bói vụ đầu nhưng hiện đã chết hơn 85% diện tích.

“Tiêu bắt đầu chết dần từ tháng 7 năm nay. Lá tiêu đang xanh nhưng gặp mưa lớn kéo dài thì chuyển sang màu vàng từ ngọn rồi lan xuống gốc và bắt đầu chết khô. Gia đình đã tìm đủ cách nhưng không cứu được. Để trồng và chăm sóc vườn tiêu này, tôi đã tốn chi phí hơn 700 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng vay từ ngân hàng. Bao nhiêu hy vọng đều đặt vào vụ thu hoạch đầu tiên, nào ngờ trắng tay lại còn ôm đống nợ”, ông Thắng buồn bã nói.

Tiêu chết hàng loạt, dân trồng lao đao ảnh 1 Vườn tiêu héo lá của bà Nguyễn Thị Vi
Cách đó không xa, vườn tiêu 800 trụ của gia đình bà Nguyễn Thị Vi (thôn 1, thị trấn Ia Kha) nằm bên con đường nhựa phẳng lì được trồng từ năm 2015, mới thu hoạch năm thứ 2 thì hiện đã chết đến 95%. “Đầu tư vườn tiêu hơn 1,3 tỷ đồng, hiện còn nợ ngân hàng hơn 1,1 tỷ đồng. Bây giờ bể nợ thật rồi, không có tiền trả ngân hàng, chỉ mong được khoanh nợ chứ không còn khoản nào để trả nữa!”, bà Vi than thở.

Theo ông Đào Lân Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, trong đợt mưa dầm kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, trên địa bàn huyện Ia Grai có hơn 100ha tiêu bị chết. “Mưa nhiều làm thối rễ khiến tiêu chết dần. Từ trước đến nay, chưa bao giờ tôi thấy vườn tiêu chết nhiều đến như thế. Đời sống của những hộ trồng tiêu rất khốn khổ”, ông Hưng nói. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê Nguyễn Văn Hợp thì thống kê, từ 3 năm qua trên địa bàn có 600ha tiêu chết, riêng năm nay số tiêu chết chiếm đến 2/3 diện tích.

Tìm giải pháp giúp dân 

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho hay cây hồ tiêu được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực với diện tích hơn 16.000ha. Riêng năm 2018, theo số liệu chưa đầy đủ từ các địa phương, diện tích tiêu chết khoảng hơn 1.000ha. Trước tình hình này, đơn vị đã đề nghị các địa phương thành lập ngay tổ công tác để rà soát, đánh giá tổng quan nguyên nhân cây chết do già cỗi, thiên tai hay sâu bệnh… Sau đó, tổng hợp gửi lên để Sở NN-PTNT báo cáo UBND tỉnh Gia Lai có giải pháp hỗ trợ nông dân.

Ông Hà Ngọc Uyển khuyến cáo, đối với diện tích tiêu chết do sâu bệnh thì người dân tiến hành thu gom và tiêu hủy ngay. Diện tích tiêu chết nằm trong quy hoạch của địa phương, đề nghị bà con trồng luân canh với cây khác từ 2 - 3 vụ để cắt mầm bệnh trước khi tái canh vườn tiêu. Còn với diện tích không nằm trong quy hoạch thì chuyển sang trồng cây khác như cây ăn quả, dược liệu… trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra tiêu thụ ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, nhiều nông dân phải vay mượn tiền để trồng tiêu. Bây giờ cây chết, thu nhập không có nên áp lực trả nợ đang rất lớn. Mặt khác, giá hồ tiêu hiện nay khoảng 60.000 đồng/kg, chỉ trên ngưỡng giá thành sản xuất một ít. Với mức giá này, người trồng vẫn có lời chút ít nhưng với điều kiện cây tiêu không chết. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tại của môi trường và thời tiết, nông dân không nên trồng mới hồ tiêu vào thời điểm này.
Một vấn đề khác là cần quản lý chặt chẽ giống cây trồng. Ngành nông nghiệp Gia Lai đã bình tuyển và đề nghị công nhận 84 cây hồ tiêu đầu dòng ở các huyện trọng điểm để trồng. Trên cơ sở đó sẽ hình thành các vườn tiêu đầu dòng và cung cấp giống tiêu sạch phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm soát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở buôn bán bán vật tư nông nghiệp, cây giống để đảm bảo điều kiện phục vụ sản xuất. Về lâu dài, cây tiêu là cây chủ lực của tỉnh nên cần phát triển theo hướng an toàn bền vững. Người dân liên kết sản xuất với nhau (liên kết ngang) và liên kết với doanh nghiệp để các đơn vị này hỗ trợ vật tư đầu vào và kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững, cũng như đầu ra ổn định hơn.  
Trước tình hình tiêu chết hàng loạt, vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh về việc hỗ trợ người dân có diện tích hồ tiêu bị dịch bệnh. Theo đó, các chi nhánh ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại của nông dân đang vay vốn trồng hồ tiêu; cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất.

Tin cùng chuyên mục