Tiêu chí và động lực

Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) nhà nước đưa ra 19 tiêu chí, như là chỗ dựa để hướng đến. Nhưng theo ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM Trung ương, có thể gói gọn lại 2 loại tiêu chí cơ bản, đó là tiêu chí về chất lượng: gồm thu nhập, cải thiện điều kiện sống và vai trò của người nông dân trong xây dựng NTM. Tiêu chí về giải pháp: làm sao để đạt được mục tiêu về thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Điều cần tránh là tình trạng chạy đua để đạt các tiêu chí mà không căn cơ hoặc một xã hoàn thành 16 - 17 tiêu chí nhưng những tiêu chí cơ bản như tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại lao động chưa hoàn thành, làm thu nhập người dân không tăng hay tăng không đáng kể. Có thể nhận ra 3 khó khăn chung của việc xây dựng NTM hiện nay là tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ và thu hút đầu tư về nông thôn. Vì vậy, theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM Trung ương, cần đặt quy hoạch phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề lên hàng đầu để tạo bước đột phá ngay giai đoạn đầu khi xây dựng NTM.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), cho biết ở Hàn Quốc khi xây dựng NTM họ xác định lấy nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy nội lực xây dựng. Điều này có nghĩa phải lấy nông dân là động lực chính, sự hỗ trợ từ bên ngoài chỉ để tạo đà, một cách tăng sức giúp người dân phát huy nội lực.

Đồng quan điểm này, ông Lê Huy Ngọ cho rằng, nếu không tìm ra được động lực thì sẽ luôn ở trong tình trạng chờ đợi, bị động theo kiểu nhà nước hỗ trợ đến đâu làm tới đó. Vì vậy phải động viên được nguồn lực nội tại kết hợp với nguồn lực bên ngoài và sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều cơ bản là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, hành động, làm cho người dân tại chỗ cảm thấy mình là nhân vật chính, là chủ thể điều hành mọi quá trình và những điều này phải mang lại lợi ích cho bà con tại chỗ.

Bài học về các cuộc vận động lớn với nông dân như khoán sản phẩm đều phải dựa trên sự đồng thuận và đem lại quyền lợi trực tiếp cho nông dân. Đó chính là động lực của cuộc vận động. Như vậy động lực xây dựng NTM phải là sự đồng lòng chung sức của cộng đồng dân cư tại chỗ. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ hiệu quả của nhà nước và nguồn lực xã hội. Với TPHCM, việc xây dựng NTM phải lấy công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp đô thị, lấy thành thị là thị trường lớn để thúc đẩy sản xuất ở nông thôn.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục