Tiêu dùng có trách nhiệm

Tiêu dùng có trách nhiệm

Đó là chủ đề Ngày Môi trường thế giới đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các tỉnh thành triển khai. Hiện nay, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, cộng với sự gia tăng nhanh dân số, nhiều hệ sinh thái tại Việt Nam đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi. Vì vậy, tiêu dùng có trách nhiệm là giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.

1,3 tỷ tấn thực phẩm/năm bị lãng phí

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thói quen tiêu dùng thực phẩm không tiết kiệm tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang gây nên sự lãng phí rất lớn. Ước tính, có khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm sản xuất trên thế giới cho người tiêu dùng hàng năm bị mất hoặc lãng phí, tương đương với hơn một nửa số cây trồng ngũ cốc của thế giới hàng năm là 2,3 tỷ tấn. Trong đó, chỉ tính riêng người tiêu dùng ở các nước giàu lãng phí 222 triệu tấn thực phẩm, nhiều gần bằng toàn bộ mạng lưới sản xuất lương thực của châu Phi cận Sahara là 230 triệu tấn.

Nhu cầu tiêu dùng quá nhiều thực phẩm ảnh hưởng xấu tới an ninh lương thực, môi trường. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Nghiên cứu của các chuyên gia môi trường cho biết, ở các nước phát triển, chất thải thực phẩm và thiệt hại xảy ra chủ yếu ở giai đoạn đầu của chuỗi giá trị thực phẩm và có thể kéo theo sự thúc ép về tài chính, quản lý và công nghệ trong kỹ thuật thu hoạch cũng như việc dự trữ và bảo quản. Do đó, tăng cường chuỗi cung ứng thông qua việc hỗ trợ nông dân và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, cũng như trong việc mở rộng các thực phẩm và ngành công nghiệp đóng gói có thể giúp để giảm lượng mất mát và lãng phí thực phẩm. Khác với tình hình ở các nước đang phát triển, hành động của người tiêu dùng đóng một phần rất lớn ở các nước công nghiệp hóa. Hơn nữa, nghiên cứu cũng nhận ra thiếu sự phối hợp giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng như một yếu tố. Hợp đồng mua bán có thể tăng mức độ phối hợp. Ngoài ra, nâng cao nhận thức giữa các ngành, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng thì việc tìm kiếm sử dụng tiết kiệm thực phẩm bị bỏ đi là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng thực phẩm bị mất đi và lãng phí.

Đe dọa chất lượng cuộc sống

Điều đáng nói, thực phẩm mất mát và lãng phí cũng như việc lãng phí các nguồn tài nguyên, bao gồm cả đất, nước, năng lượng, lao động và gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu. Cụ thể, 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm, trong khi gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng và 1 tỷ người đói. Tiêu dùng thực phẩm quá mức gây bất lợi cho sức khỏe và môi trường. Hiện đang có 1,5 tỷ người trên toàn cầu đang thừa cân hoặc béo phì. Không chỉ vậy, tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ảnh hưởng xấu đến an ninh lương thực như tăng giá lương thực, thay đổi phương thức sản xuất. Còn về mặt môi trường, chất thải thực phẩm dẫn đến sử dụng lãng phí các chất hóa học như phân bón và thuốc trừ sâu, tốn nhiều nhiên liệu hơn cho việc vận chuyển và sử dụng thực phẩm đã hỏng tạo ra nhiều CH4 - một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính có hại nhất gây ra biến đổi khí hậu. CH4 gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm gấp 23 lần so với CO2. Ngành thực phẩm tiêu hao khoảng 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng 22% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Thừa thực phẩm cũng kéo theo hệ quả là suy thoái đất, giảm độ phì nhiêu, sử dụng nước không bền vững, khai thác quá mức và suy thoái môi trường biển. Những yếu tố này đều làm giảm khả năng cung cấp thực phẩm từ suy giảm tài nguyên thiên nhiên, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên sinh thái nông nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Đại học Bách khoa TPHCM, hiện tượng lãng phí thực phẩm tại Việt Nam chưa lớn. Chỉ xuất hiện số ít tại các tỉnh thành phố trung ương - nơi có mức sống cao như TPHCM và Hà Nội. Tuy nhiên, nói như thế cũng không có nghĩa là không thực hiện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiết kiệm thực phẩm trong quá tình tiêu dùng. Trên thực tế, những nghiên cứu thành phần rác thải đô thị và nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống kênh rạch cho thấy đã xuất hiện lượng thực phẩm thải bỏ nhất định.

Phó giáo sư Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, nhấn mạnh, trong thời gian tới, ô nhiễm nguồn nước do thực phẩm thải bỏ sẽ tăng lên nhanh tương ứng sự gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là người dân thành phố lớn. Bởi toàn bộ thực phẩm dư thừa trong dân đều bị thải bỏ ra các cống sinh hoạt thay vì phải được phân loại và chuyển giao xử lý thích hợp. Kinh nghiệm từ Đài Loan cho thấy, các cơ quan công quyền phải gương mẫu thực hiện phân loại thực phẩm dư thừa sau sử dụng và chuyển giao cho các công ty sản xuất thức ăn gia súc. Chỉ riêng vấn đề này, họ đã tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm nhờ giảm thiểu chi phí xử lý môi trường và tái sử dụng thực phẩm thải bỏ. Việt Nam vẫn còn là nước đang phát triển, tỷ lệ người nghèo, thiếu thực phẩm và dinh dưỡng còn cao. Do vậy, việc tiết kiệm thực phẩm là rất cần thiết.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục