Ngày 20-10, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Phát triển cụm doanh nghiêp, công nghiệp, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)” nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quốc tế về cách tiếp cận phát triển cụm DNNVV của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng: Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ góp phần đưa ra những biện pháp giảm thiểu rủi ro, hạn chế và tối đa hóa được lợi thế của DNNVV ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Sau Hội thảo này, Ban tổ chức sẽ thống kê các nghiên cứu, giải pháp và kinh nghiệm của các chuyên gia về phát triển DNNVV và tổng hợp bằng văn bản quy phạm pháp luật. “Về phía cơ quan tham mưu chúng tôi sẽ tập hợp các kiến nghị trình lên các cấp có thẩm quyền để tìm ra các giải pháp cụ thể để phát triển hiệu quả cụm DNNVV ở Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các kinh nghiệm phát triển DNNVV ở quốc tế như liên kết khai thác thị trường, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực khi kinh doanh, tận dụng tốt các cơ hội cơ hội, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, thông qua hình thức cụm, mạng lưới, các DNNVV có thể cải thiện hiệu quả và năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh không giới hạn ở tầm quốc gia mà còn có thể đủ tầm vươn ra thị trường nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, ở Việt Nam hiện nay chưa có các cụm, ngành công nghiệp theo đúng nghĩa. Từ năm 1992, Việt Nam đã xúc tiến xây dựng các khu công nghiệp và sau đó là các cụm công nghiệp, tức là các khu công nghiệp quy mô nhỏ, do địa phương quản lý. Cũng có nhiều địa phương đã dành riêng các cụm ngành công nghiệp để cho các doanh nghiệp của cùng một ngành nghề khai thác như cụm công nghiệp làng nghề ở các tỉnh phía Bắc, khu công nghiệp dệt may Phố Nối, Hưng Yên, cụm công nghiệp nhựa cao cấp Đức Hoà, Long An...
Thúy Hiền