Tìm cách cứu sông Ba

Ô nhiễm nghiêm trọng
Tìm cách cứu sông Ba

Như Báo SGGP đã phản ánh, từ khi công trình thủy điện An Khê - Ka Nak (trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) tích nước lòng hồ (thời điểm tháng 9-2010), việc sinh hoạt, sản xuất của người dân ở 5 huyện, thị xã vùng Đông Gia Lai bị đảo lộn.

Sông Ba cạn kiệt nước.

Sông Ba cạn kiệt nước.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Sông Ba dài 374km, là một trong 9 hệ thống sông chính ở nước ta và là con sông lớn nhất ở khu vực Nam Trung bộ. Với diện tích lưu vực 13.900km², trong đó 8.656km² nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Lưu vực sông Ba nằm trong vùng trũng, xung quanh có núi cao bao bọc. Trên lưu vực sông có nhiều nhà máy, xí nghiệp và hộ cá thể sản xuất, chế biến tiểu thủ công nghiệp.

Trên dòng sông này, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 6 công trình thủy điện với tổng công suất 659 MW, gồm: thủy điện An Khê - Ka Nak (173 MW), thủy điện sông Ba Hạ (250 MW), thủy điện sông Hinh (70 MW), thủy điện Đăk Srông (60 MW), Ea Krong Hnang (66 MW) và thủy điện sông Ba Thượng (40 MW).

Theo ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, hiện nay ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước sông Ba đang là vấn đề nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải có biện pháp xử lý. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT tiến hành nhiều đợt kiểm tra về tình hình ô nhiễm.

Thông tin về vấn đề dân sinh tại địa phương, ông Phan Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) cho biết, chuyện ô nhiễm không khí và nguồn nước tại thị xã An Khê đã bức xúc lâu nay ở vùng Đông Gia Lai. Song, thị trấn Kông Chro và nhiều xã vùng sâu của huyện Kông Chro, nơi cách thị xã An Khê gần 30 km cũng bị “vạ lây”. Người dân thị trấn đã bắt đầu thấy ngột ngạt vì mùi hôi thối dưới dòng sông Ba bốc lên; cá tự nhiên chết trắng sông từ nhiều ngày qua.

Giải pháp cứu dòng sông

Ngày 10-5-2011, trong buổi làm việc giữa đại diện lãnh đạo Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với lãnh đạo chủ chốt UBND tỉnh Gia Lai tại TP Pleiku, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) khẳng định, sông Ba ô nhiễm nặng nề là do Nhà máy đường An Khê, Nhà máy chế biến tinh bột mì VeYu, Nhà máy ván sợi ép MDF Gia Lai và Nhà máy tuyển quặng Kbang (thuộc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai) xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông.

Khi chưa chặn dòng để xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak, nước từ thượng nguồn đổ về sông Ba với lưu lượng nhất định đã đẩy trôi các chất thải. Nhưng nay chuẩn bị phát điện tổ máy số 1, nước được ngăn lại và cho chảy về tỉnh Bình Định (không xuôi dòng đổ về hạ lưu, rồi chảy về tỉnh Phú Yên như trước đây), đã khiến nước thải từ những nhà máy trên “quần tụ” tại thị xã An Khê, bốc mùi nồng nặc. Ông Hoàng Văn Bẩy yêu cầu chủ đầu tư công trình thủy điện An Khê - Ka Nak phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy trình vận hành hồ chứa vì đây là công trình chuyển nước.

Về phía địa phương, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay cử tri trong tỉnh rất lo lắng và bức xúc trước vấn đề ô nhiễm sông Ba. Ông Dũng đề nghị Bộ TN-MT sớm công bố dòng chảy tối thiểu trên sông Ba để làm căn cứ quản lý tài nguyên nước trên lưu vực và chỉ đạo thành lập Ủy ban lưu vực sông Ba để tham mưu, tư vấn công tác quản lý tài nguyên nước trên lưu vực; đồng thời lập quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Ba để có cơ sở điều hòa, phân bổ nguồn nước khoa học và hợp lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng cũng chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND thị xã An Khê và các ngành, địa phương có liên quan thực hiện việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy trên địa bàn, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Các sở, ngành và địa phương trong tỉnh phối hợp với Ban quản lý Dự án thủy điện 7 (thuộc EVN) để giám sát đảm bảo lưu lượng nước xả ra sau đập An Khê đạt tối thiểu 4m3/s theo đúng nội dung cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN-MT phê duyệt.

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục