Tìm cơ chế chung để phát triển hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tìm cơ chế chung để phát triển hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

“Làm sao để sau hội nghị này hạ tầng giao thông sẽ phát triển, chứ không phải đến dự về rồi xong” là nội dung được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh tại hội nghị chuyên đề về kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tổ chức tại TPHCM ngày 18-8. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 8 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và các bộ, ngành liên quan.

Hàng loạt dự án cần đầu tư và kết nối

Để triển khai thực hiện các dự án kết nối giao thông liên vùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Bùi Xuân Cường kiến nghị: Các tỉnh phối hợp với Bộ GTVT rà soát điều chỉnh quy mô từng dự án cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy hoạch khác, như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị… mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Trong quá trình triển khai đầu tư các dự án kết nối TPHCM và các tỉnh, TPHCM đề nghị: Các dự án kết nối bằng cầu vượt, cầu qua sông, TPHCM đảm nhận phần xây dựng chính và chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP, các tỉnh đảm nhận chi phí xây dựng các hạng mục kết nối và chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh. Riêng các dự án có quy hoạch, kế hoạch đầu tư vùng, TPHCM đề nghị UBND các tỉnh, TP quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích đối với quỹ đất dành cho xây dựng, đồng thời bố trí quỹ đất để phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối. Đối với các dự án do Bộ GTVT đầu tư, bộ đảm nhận chi phí xây dựng, các tỉnh, TP đảm nhận chi phí giải phóng mặt bằng.

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương nối TPHCM với ĐBSCL. Ảnh: CAO THĂNG

Đi vào những dự án cụ thể, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị: Khu cảng Cái Mép Thị Vải được quy hoạch và đầu tư xây dựng thành khu cảng biển cửa ngõ quốc tế của cả khu vực, nhưng hiện mới khai thác được 8% công suất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là thiếu kết nối hạ tầng giao thông đến khu vực này. Do vậy, để phát huy hiệu quả, khu cảng cần phải được kết nối đồng bộ cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các đầu mối kinh tế khác trong cả nước. Đại diện tỉnh Đồng Nai đề xuất: Khẩn trương xây dựng sân bay Long Thành, mở rộng theo đúng lộ giới quy hoạch đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, có kế hoạch kéo dài tuyến đường sắt đô thị TPHCM đến ngã ba Vũng Tàu ngay từ bây giờ, khẩn trương xây dựng cầu Cát Lái. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận xét: Hầu hết đường kết nối các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai với TPHCM đều đi qua Bình Dương. Vì thế, nhiều tuyến đường của tỉnh đã quá tải, cần khẩn trương xây dựng mở rộng quốc lộ 13. Đại diện tỉnh Long An đề xuất: Quốc lộ 1 được Bộ GTVT quản lý, đoạn đi qua TPHCM đang mở rộng thì cũng nên mở rộng luôn đoạn qua tỉnh Long An để giao thông thông suốt.

Tìm cơ chế chung

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà cả khu vực mới có 91km đường cao tốc trên tổng số 743km đường cao tốc của cả nước là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Nguyên nhân: Công tác phối hợp, kết hợp giữa các địa phương với nhau, giữa các địa phương với các bộ, ngành còn nhiều hạn chế, bất cập, nhiều lúc còn mang tính cục bộ, thủ tục đầu tư nhiêu khê… Đơn cử, việc đầu tư sân bay Long Thành đã được đặt ra từ cách đây 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa làm được gì. Trong khi đó, khu cảng Cái Mép Thị Vải hạ tầng trong nội khu đã cơ bản hoàn chỉnh nhưng giao thông kết nối đến còn hạn chế, nên hiệu quả khai thác chưa cao. Để khắc phục, trước hết, các tỉnh cần xác định ngay những hạng mục công trình thiết yếu kết nối giữa các địa phương, khẩn trương xây dựng thêm đường cao tốc, đường vành đai, tập trung khai thác khu cảng Cái Mép Thị Vải…

Theo Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Huỳnh Thị Xuân Lan, Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc liên kết để cùng phát triển bền vững của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, với tư cách Chủ tịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM tổng hợp ý kiến của các tỉnh báo cáo để Bộ Chính trị có hướng giải quyết sớm. Ngoài ra, các địa phương chủ động kiến nghị Chính phủ cho cơ chế đặc thù để huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Muốn kết nối vùng, trước hết phải kết nối giao thông. Có trở thành vùng kết nối được hay không, mấu chốt là hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành phải thông suốt, tiết kiệm thời gian đi lại. Nguồn lực ở đâu thì chúng ta cùng bàn, nhưng việc xác định dự án ưu tiên đầu tư phải dựa trên lợi ích liên kết vùng”. Đồng chí Đinh La Thăng khẳng định, với vai trò Chủ tịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM sẽ cùng các tỉnh trong vùng góp ý xây dựng đề án cụ thể về phát triển hạ tầng giao thông. Đồng chí cũng đề nghị, để thực hiện chương trình này, các tỉnh, thành cần cập nhật bổ sung lại quy hoạch từng vùng, xây dựng hình thức huy động vốn, thời gian thực hiện dự án cụ thể…

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục