Tìm động lực đổi mới tổ chức, bộ máy

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 diễn ra từ ngày 4 đến 10-10 tại Hà Nội với nhiều nội dung, quyết sách quan trọng đang được chờ đợi. 
Trong đó có dự thảo Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã được chuẩn bị công phu, thu hút sự quan tâm trong đảng, trong dân thời gian qua sẽ được trình hội nghị thảo luận, quyết định.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là tất yếu khách quan và là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng ta, nhưng trong tình hình mới đang đặt ra với yêu cầu bức thiết không thể trì hoãn. 
Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị là vấn đề mang tính nguyên tắc và cương lĩnh. Song các bất cập của tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ đang bộc lộ ngày càng rõ. Hệ thống tổ chức cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối, thiếu phối hợp, thừa chồng chéo đang trì kéo sự phát triển. 
Tình trạng trong một cơ quan tồn tại 2 tổ chức đảng, trực thuộc 2 cấp ủy khác nhau, có 2 đồng chí bí thư cấp ủy cùng lãnh đạo cơ quan đang là vấn đề bất cập ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành Trung ương và UBND cấp tỉnh cùng lãnh đạo một cơ quan bên cạnh Đảng ủy, nên khó phân định và thực hiện một cách rành mạch chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm. Các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ là cơ quan của Đảng, nhưng ngoài người đứng đầu tổ chức đảng này, còn có Bí thư Đảng ủy cơ quan. Một số chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của các Ban chỉ đạo như kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương, địa phương, nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đang chồng chéo với các Ban xây dựng đảng Trung ương, cấp ủy địa phương và thực tế không thể làm thay. Thực trạng này đang góp phần tăng sự công kềnh của tổ chức, bộ máy, tăng biên chế và tăng chi ngân sách. Mặt khác, những vụ việc tiêu cực, tham nhũng gây bức xúc vừa qua cho thấy có nguyên nhân từ những yếu kém về tổ chức, bộ máy. Một trong những “lỗ hổng” mà bọn chạy chức, chạy quyền tìm cách xuyên thủng là các khâu yếu kém của công tác tổ chức cán bộ. Thực trạng này đang là những bức xúc từ thực tiễn thôi thúc phải đổi mới.  
“Đổi mới gì thì đổi mới, nhưng phải cách mạng bộ máy đi đã” là ý kiến của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trước thềm Hội nghị Trung ương 6. Tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” đã được thể hiện ngay từ đầu công cuộc đổi mới cách đây hơn 30 năm, đã tạo ra thành tựu vô cùng to lớn của toàn Đảng, toàn, quân, toàn dân ta. Tinh thần đó, cần được tiếp tục khẳng định thành quan điểm trong việc đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện tình hình thực tế về tổ chức, bộ máy và đảng viên hiện nay để có giải pháp đồng bộ, lộ trình thực hiện rõ ràng, phù hợp, khả thi cho đổi mới. Xác định động lực thật sự và “kích hoạt” hiệu quả cho hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chính là xương sống của đề án đổi mới. 
Tổ chức, bộ máy không thể duy trì nhiều cấp trung gian, chồng chéo, trùng lặp hay bỏ trống chức năng, nhiệm vụ. Một tổ chức, cơ quan phải làm nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính là yêu cầu khoa học, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn. 
Việc cắt giảm các tổ chức trung gian, sắp xếp lại cán bộ chắc chắn đụng chạm đến lợi ích của không ít tổ chức, cá nhân và không loại trừ các lực cản, thậm chí là sự chống đối, nên rất cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, có bước đi, lộ trình phù hợp. Nhưng trước tiên, rất cần sự dũng cảm, công tâm và quyết sách mang tính bước ngoặt của Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần này để tìm ra động lực thực sự từ đổi mới tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn mới.

Tin cùng chuyên mục