Tìm giải pháp căn cơ thúc đẩy “tam nông” phát triển

Ngày 22-11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia phục vụ công tác thẩm định báo cáo sơ kết 5 năm Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết đối với mặt trận nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tập trung trao đổi, thảo luận những đánh giá, thành tựu đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; hiến kế chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các đại biểu nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là những vấn đề lớn, rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm qua, trong nông nghiệp, sản xuất liên tục phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng ngày càng cao; xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong nước, xuất khẩu tăng mạnh, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho nông dân, trình độ khoa học công nghệ được nâng lên; xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất mới có triển vọng có hiệu quả cao, nhất là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Nhận thức của nông dân đã có chuyển biến tích cực sang tư duy sản xuất hàng hóa. Cơ cấu lao động nông nghiệp chuyển dịch sang lao động công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa, tiếp cận tín dụng, khoa học kỹ thuật được nâng cao. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống được đầu tư mạnh nhất là các công trình điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa. Những kết quả quan trọng, đồng bộ đã đạt được trong 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần cho nông dân.

Tuy nhiên, 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập và xuất hiện những thách thức với nguy cơ ngày càng lớn: biến đổi khí hậu, sự hội nhập, tác động của khủng hoảng.

Các đại biểu đề nghị trong những năm tới cần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Nhà nước quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là các vùng có nhiều khó khăn; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, phát triển văn hóa ở các vùng nông thôn...

Các đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu làm rõ mô hình nông dân là chủ thể, nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp liên kết cộng đồng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm.

T.T.X.

Tin cùng chuyên mục