Tìm giải pháp cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

Theo quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dự báo tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2020 cần khoảng 1.970.000m³/ngày đêm. Đến năm 2025 cần 2.650.000m³/ngày đêm và đến năm 2030 con số này sẽ là 3.270.000m³/ngày đêm. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, trong điều kiện biến đổi khí hậu đã sát sườn và suy thoái môi trường trầm trọng như hiện nay, thì đây sẽ là một bài toán khó đối với khu vực ĐBSCL.

Theo quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dự báo tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2020 cần khoảng 1.970.000m³/ngày đêm. Đến năm 2025 cần 2.650.000m³/ngày đêm và đến năm 2030 con số này sẽ là 3.270.000m³/ngày đêm. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, trong điều kiện biến đổi khí hậu đã sát sườn và suy thoái môi trường trầm trọng như hiện nay, thì đây sẽ là một bài toán khó đối với khu vực ĐBSCL.

Theo thống kê, tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ĐBSCL. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, ĐBSCL hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm qua. Gây thiệt hại hơn 160.000ha lúa, tương đương 800.000 tấn lúa bị mất trắng. Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt tại một số khu vực. Đã có 250.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước cạn kiệt. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do sản xuất, sinh hoạt và đặc biệt do xâm nhập mặn ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô và chất lượng cũng gia tăng áp lực đến việc đảm bảo cấp nước an toàn cho vùng ĐBSCL.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, bộ đã chỉ đạo một số đơn vị cấp nước các tỉnh cần thực hiện các giải pháp khẩn cấp bảo vệ nguồn nước ngọt sạch. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đầu tư khẩn cấp 9 trạm khai thác nước ngầm với gần 20 giếng khoan; nghiên cứu giải pháp đầu tư nâng cấp hồ trữ nước tại thành phố Rạch Giá lên 1 triệu m³/ngày đêm.

Tỉnh Bến Tre huy động các phương tiện vận chuyển nước cung cấp cho người dân và các công trình công cộng trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ thi công trạm bơm nước thô 47.000m³/ngày. Ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn đối với các khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi hoặc có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh; đối với nguồn nước mưa cần xây dựng hồ lưu trữ, kết hợp với hệ thống thủy lợi xây dựng hồ trữ nước quy mô lớn, đa mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

Không dừng lại ở đó, về lâu dài, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi hỗ trợ đầu tư của nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước tại khu vực ĐBSCL.

Cụ thể, nhà máy nước liên vùng sông Tiền 1 công suất 100.000m³/ngày; nhà máy nước liên vùng sông Tiền 2 200.000m³/ngày; cụm nhà máy nước sông Hậu 1 công suất 400.000m³/ngày; sông Hậu 2  công suất 200.000m³/ngày, sông Hậu 3 công suất 100.000m³/ngày.

Song song với các giải pháp này, ĐBSCL cũng phải chú trọng đến các giải pháp về công nghệ. Theo đó, đối với các nhà máy xử lý nước quy mô vùng liên tỉnh, công suất lớn cần phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường; đối với các nhà máy có quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ xử lý nước truyền thống, từng bước cải tiến phù hợp với năng lực quản lý vận hành của  đơn vị cấp nước. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn cấp nước cho vùng hải đảo, khu vực dân cư có nguồn nước bị nhiễm mặn hoặc không có khả năng kết nối với nhà máy nước vùng liên tỉnh.

Có thể nói, đây là giải pháp cấp thiết nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt cho khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.


Minh Hải

Tin cùng chuyên mục