Tìm giải pháp đẩy mạnh các chương trình đột phá

Sáng 13-7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê nhận hàng loạt câu hỏi về kết quả thực hiện 6 chương trình đột phá của TP, trong đó tập trung vào Chương trình hỗ trợ chuyển dịch kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP.
Tìm giải pháp đẩy mạnh các chương trình đột phá

Sáng 13-7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê nhận hàng loạt câu hỏi về kết quả thực hiện 6 chương trình đột phá của TP, trong đó tập trung vào Chương trình hỗ trợ chuyển dịch kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP.

Tháo rào cản, vướng mắc

ĐB Huỳnh Công Hùng trăn trở: “UBND TP cho biết chính sách hỗ trợ để phát triển công nghệ cao?”. ĐB Võ Văn Sen thì chất vấn: “Khu Công viên Phần mềm Quang Trung hình thành từ lâu. TP đổ tiền của vào đây nhưng xuất khẩu chỉ vài chục triệu USD. Hàng chục ngàn lao động về đây học. Như vậy, đây là trường học đúng hơn công viên phần mềm! Thành phố có nắm chắc năng suất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm?”.
 
Ông Thái Văn Rê trả lời: Khi đầu tư vào công nghệ cao, nhà đầu tư được hưởng các chính sách chung của Trung ương và TP. Tuy nhiên, tùy mức độ, sức lan tỏa của dự án sẽ hỗ trợ chính sách cụ thể về giá điện, nước, hệ thống thông tin… Về hiệu quả của Công viên Phần mềm Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà so sánh: “Nếu 40 ha đất của công viên mà đầu tư kinh doanh địa ốc thì lời to. Có thể giai đoạn đầu hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, với dự án này không thể chỉ đánh giá dưới góc độ kinh tế mà phải nhìn ở góc độ chất xám và hiệu quả xã hội, tính dẫn dắt của dự án”. Đồng chí Lê Mạnh Hà ví von: “Nhiều người nói Việt Nam có công nghiệp phần mềm, đó là Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là một ngành khai thác chất xám, trở thành ngọn cờ đầu trong công nghệ thông tin ở Việt Nam và thành thương hiệu để nhiều nước trên thế giới biết đến thì đã là một sự thành công bước đầu quan trọng”. Từ thành công của Công viên Phần mềm Quang Trung, TPHCM đang tiếp tục triển khai thêm một công viên phần mềm nữa trên địa bàn.

Cơ khí sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao mà TPHCM đang triển khai. Trong ảnh: Đóng tàu tại Saigon Shipmarin. Ảnh: Kim Ngân

Cơ khí sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao mà TPHCM đang triển khai. Trong ảnh: Đóng tàu tại Saigon Shipmarin. Ảnh: Kim Ngân

Việc TP cần quan tâm là thay đổi công nghệ ở các DN sản xuất. TP đang chỉ đạo Ban quản lý các KCX-KCN tích cực đầu tư để thay đổi công nghệ như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường... Trong đó, yêu cầu Sở KH-CN và Sở KH-ĐT phải kiểm tra chặt công nghệ đầu vào, thẩm tra các dự án trước khi cấp phép tránh tình trạng nhập những công nghệ xấu. Việc này, TP chủ động làm, bởi thực tế Bộ KH-CN chưa có quy định cụ thể vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong phát triển công nghệ cao. Ngay cả định nghĩa, phân định thế nào là công nghệ cao vẫn chưa rõ, rồi vướng mắc về pháp lý, cơ chế… Tuy nhiên, những điểm vướng này TP sẽ đấu tranh đến cùng để tháo gỡ. Việc làm được trước mắt là rà soát lại các chính sách hiện nay, cái nào tốt thì phát huy, cái nào là rào cản thì đề xuất kiến nghị Trung ương tháo gỡ. Nhưng về lâu dài, TP kiến nghị thành lập Sở Công nghệ cao để TP có một cơ quan quản lý, tham mưu chuyên nghiệp, giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Tìm lối đi ngành công nghiệp hỗ trợ

ĐB Lê Trương Hải Hiếu chất vấn UBND TP về các chính sách phát triển công nghệ phụ trợ của TPHCM: “Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đến nay ra sao trong khi đây là ngành quan trọng mà TP đặt trọng tâm phát triển?”. Chất vấn này cũng được Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh lại, bởi theo bà, hiện nay vẫn chưa hình dung được bức tranh công nghiệp hỗ trợ của TPHCM.

Trả lời câu hỏi này, cả Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Lai và Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đều nhìn nhận: công nghiệp hỗ trợ của TP vẫn chưa định hình được bức tranh chung. Tuy nhiên, nói phát triển công nghiệp hỗ trợ là “đúng nhưng chưa đủ” bởi quan trọng nhất là chúng ta phải nắm được cả sản phẩm cuối cùng mà những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đó tham gia vào. Còn nếu chỉ sản xuất hỗ trợ mà sản phẩm lại ra đời ở một nước khác thì cuối cùng chỉ là làm gia công cho người ta. Sắp tới, TP sẽ tìm được hướng ra khi phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành. Sau khi đã có chủ trương, UBND TP chỉ đạo các Ban quản lý KCN-KCX rồi, TP phải sẵn sàng cho việc xây dựng, phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, chẳng hạn: khu công nghệ cao, các công viên phần mềm, khu công nghệ mới, đồng thời tập trung triển khai dự án sản phẩm trọng điểm quốc gia là phát triển vi mạch điện tử (chip điện tử).

Trả lời chất vấn của ĐB Huỳnh Quốc Cường về các biện pháp, chính sách để giải quyết tồn tại và phát triển mạnh 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM (ngành Điện tử - Công nghệ thông tin, Cơ khí chế tạo, Hóa chất - nhựa, Chế biến lương thực - thực phẩm) và các ĐB khác về hướng hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả hơn, đồng chí Lê Mạnh Hà khẳng định, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó sẽ tập trung rà soát các chính sách đột phá để kiến nghị trung ương tháo gỡ; cải cách thủ tục hành chính, triển khai Đề án tái cấu trúc nền kinh tế TP do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chủ trì, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đánh giá tỷ trọng từng ngành trong hiện trạng nền kinh tế và hướng phát triển chuyển dịch từ ngành này sang ngành khác để xây dựng các chính sách phản ứng nhanh cũng như những chính sách lâu dài trong quá trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP…

Đặt câu hỏi có hay không sự ưu ái của TP dành riêng cho Samco khi giao đơn vị này làm chủ đầu tư và tự đóng mới phương tiện trong thực hiện đề án đầu tư sản xuất 300 xe buýt sạch (sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên - CNG), ĐB Trần Trọng Dũng cho rằng, khi TP khuyến khích xã hội hóa đầu tư xe buýt sạch thì đã có hơn 30 xe như vậy do các xã viên thuộc Liên hiệp HTX Vận tải TP đầu tư và Công ty Vận tải và Du lịch Phương Trang đưa vào hoạt động, hành khách ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo ĐB Dũng, chi phí đầu tư hiện đang rất cao nên việc có một cơ chế mở giúp nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư xe buýt sạch để phục vụ xã hội là rất cần thiết.

Trả lời thêm câu hỏi của ĐB, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín khẳng định TP không hề phân biệt các thành phần kinh tế, dù nhà nước hay tư nhân cũng như nhau. Nếu đơn vị sử dụng nguyên liệu sạch theo chương trình Năng lượng xanh (sử dụng công nghệ mới, sản phẩm mới trong sản xuất, tiêu dùng để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường) mà TP đang triển khai thì đều có sự hỗ trợ như nhau.

Vân Anh - Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục