Tìm giải pháp phòng chống tội phạm ngày càng trẻ

Tội phạm trẻ ngày càng phức tạp và gia tăng đáng báo động với tính chất ngày càng hung bạo, đối tượng gây án ngày càng trẻ hóa. Đây là một vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Vì vậy, rất nhiều câu hỏi đã được gửi đến buổi giao lưu trực tuyến Tội phạm ngày càng trẻ hóa - Nguyên nhân và giải pháp được Báo SGGP tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 17-7.
Tìm giải pháp phòng chống tội phạm ngày càng trẻ

Tội phạm trẻ ngày càng phức tạp và gia tăng đáng báo động với tính chất ngày càng hung bạo, đối tượng gây án ngày càng trẻ hóa. Đây là một vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Vì vậy, rất nhiều câu hỏi đã được gửi đến buổi giao lưu trực tuyến Tội phạm ngày càng trẻ hóa - Nguyên nhân và giải pháp được Báo SGGP tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 17-7.

Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM đã tham gia trả lời bạn đọc trong buổi giao lưu.

- N.M.Hoàng (Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh): Số vụ phạm pháp giảm nhưng tính chất tội phạm lại nghiêm trọng hơn, hành vi phạm tội manh động, bạo lực, liều lĩnh và dã man hơn. Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công an tại hội nghị trực tuyến ngày 14-7 sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Ban chỉ đạo về phòng chống tội phạm vừa được báo chí đưa tin. Mới đây, dư luận chấn động với vụ thảm sát cả gia đình 6 người tại Bình Phước vì hận tình. Cả 2 thủ phạm mới 24 tuổi, đã học hết lớp 12, không tiền án, tiền sự, không nghiện ma túy, không ăn chơi, còn được xem là hiền lành, khi gây án đều bình thường, không bị kích động. Thưa Đại tá Vũ Hoàng Kiên, làm thế nào để nhận biết và phòng tránh những kẻ ác ở ngay bên cạnh, thậm chí ngay trong nhà mình như vậy?

>> Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường Đại học Sư phạm TPHCM:

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Dưới góc độ tâm lý tội phạm, hành vi tội ác có thể được thúc đẩy bởi nhiều động lực cùng lúc:

+ Hận tình là một trong những nỗi đau tâm lý sâu sắc nhất biến tình yêu từ một loại động lực trở thành một loại phản lực và trở thành lòng thù hận.

+ Sự cự tuyệt từ đối phương khiến nghi can bị sốc và nghĩ rằng mình bị mất tất cả: từ tình yêu, cho đến danh dự.

+ Đặc biệt, lòng tham vật chất là một trong những thứ có thể làm con người ta tha hóa một cách nhanh chóng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy hành vi tội ác.

Tất cả những nguyên nhân trên cộng hưởng lại có thể làm biến đổi những con người tưởng chừng như lương thiện trở nên một kẻ mất hết lương tâm.

>> Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó cục trưởng, Cục Cảnh sát Hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an:

Đại tá Vũ Hoàng Kiên

Để nhận biết và phòng tránh những hiện tượng tiêu cực này, vai trò của gia đình, các tổ chức xã hội và nhà trường là quan trọng nhất. Phải kịp thời nắm bắt được tâm lý của con em mình, giúp cho các em vượt qua những cú sốc về tâm lý và tình cảm, trong đó có tình yêu nam nữ. Đặc biệt, không nên quá nuông chiều về vật chất.

- T.Tương (quận 10): Vụ thảm sát 6 người ở tỉnh Bình Phước có nguyên nhân là trả thù tình. Có thể thấy nhiều người khi chia tay tình yêu hay khi bị phụ tình đã có những hành động điên rồ từ nhỏ đến gây hại bản thân thậm chí giết người như vậy, dù trước đó, họ là những người bình thường. Theo Thạc sĩ, có thể nhận ra những người như thế qua các đặc điểm tâm lý hay không? Xin hỏi Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, người trẻ cần trang bị những kiến thức gì, như thế nào để có thể kết thúc tình yêu êm đẹp, tránh những nguy cơ có thể xảy ra khi chia tay?

>> Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm Tp.HCM

Chào anh,

Đầu tiên, những người trả thù tình đôi khi không có biểu hiện gì khác thường, tuy nhiên, một số trường hợp thường hay có vài biểu hiện nguy cơ như sau:

+ Ghen một cách quá đáng, có thể trong cơn ghen sẽ xúc phạm người yêu hoặc thậm chí có lời hăm dọa. Chẳng hạn như "Anh tuyệt đối không để mất em..." hay "Em chia tay anh đi rồi em sẽ biết..."; "Nếu chia tay thì anh cũng chẳng muốn sống nữa làm gì...".

+ Tính cách nóng nảy và đôi khi có hành vi bạo lực khi nổi giận như đánh, tát, đập đồ...

+ Lụy tình: Khi vui thì lãng mạn thái quá, khi buồn thì đòi sống đòi chết.

+ Lì lợm, không biết xấu hổ, sống ích kỷ và chỉ biết thỏa mãn cho bản thân, ít đặt mình vào vị trí người khác.

+ Có lòng tham lớn, hay hỏi về tài sản của người yêu hoặc gia đình người yêu, lười lao động nhưng thích giàu có, xúi giục người yêu trộm tiền gia đình để thỏa mãn nhu cầu vật chất của mình, hay chụp ảnh khoe khoang tiền bạc vật chất...

Quang cảnh buổi giao lưu

Tuy nhiên, những dấu hiệu đó không phải kẻ cuồng yêu nào cũng có, nên cách tốt nhất là chúng ta hãy học cách chia tay làm sao cho an toàn và không thổi bùng cơn giận hận tình trong lòng họ:

1. Không nên quyết định chia tay quá đột ngột: Hãy có bước đệm để cả hai chuẩn bị tâm lý thích nghi dần với nỗi đau này. Nếu đối phương nài nỉ, nên giải thích rõ lý do rồi hẹn "tạm chia tay" để hai bên có thêm thời gian suy nghĩ kĩ, sau đó tìm cách khéo léo buông bỏ dần dần.

2. Không nên xúc phạm nhau: Một câu nói xúc phạm (của bạn hoặc của cha mẹ bạn đối với anh ta) cũng thổi bùng cơn giận trong lòng họ (dù họ xứng đáng với lời xúc phạm đó đi chăng nữa).

Nếu một bà mẹ đuổi anh chàng người yêu của con gái ra khỏi nhà một cách đầy nhục nhã thì có thể anh ta sẽ quay lại trả thù. Một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng, một lời xúc phạm sẽ đốt cháy nhiều thứ hơn ta tưởng. Hãy cố gắng dùng những lời lẽ kiềm chế nhất.

3. Không nên phủ nhận sạch trơn quá khứ: Không nên bảo "Quen anh tôi chẳng được gì!" hay "Thằng đào mỏ!", "Xem như mấy năm qua chưa hề tồn tại đi!", "Tôi không còn yêu anh nữa!"... Những câu ấy là con dao hai lưỡi, cứa vào tim anh ta và có thể hắn sẽ quay ngược đâm lại chính mình.

4. Không nên khiêu khích cơn ghen tức: Khi mới chia tay, hạn chế thấp nhất khả năng anh ta biết mình có người yêu mới (dù điều này chẳng có gì sai cả). Hạn chế thể hiện tình cảm với người yêu mới ở những nơi mà anh ta dễ dàng nhìn thấy. Đó một phần cũng là lịch sự, cũng là tự bảo vệ mình.

5. Không phũ phàng để họ có cảm giác bị bỏ rơi: Hết tình thì còn nghĩa. Thỉnh thoảng nếu người cũ gọi thì cũng nên nghe máy một lần để họ không có cảm giác bị ruồng bỏ, bị khinh miệt. Ngoài ra, hãy nhờ người thân, bạn bè, những người xung quanh anh ấy chăm sóc an ủi động viên, để anh ấy nhận ra rằng, còn rất nhiều người khác quan tâm mình.

Nói chung, bạn gái cần tùy người, tùy hoàn cảnh mà linh hoạt để nghĩ cách chia tay khéo léo nhất. Vì những vụ gần đây cho thấy, bạn gái thường là người phải hứng chịu hậu quả nặng nề.

Còn các chàng trai cũng cần phải nhớ: Cuộc đời là một con đường không bằng phẳng, không phải tình cảm lúc nào cũng như ý của mình. Nếu mảnh ghép đó không khớp với mình, thay vì trả thù bằng những đòn hèn hạ, hãy dũng cảm chấp nhận sự thật, đó mới là bản lĩnh đàn ông.

Ngoài ra, trên đời này không phải chỉ có một người để yêu. Người ta thường phải nhầm lẫn vài lần trước khi tìm ra được một nửa thật sự của mình. Đừng vì cơn ghen hay lòng thù hận mà đốt cháy người khác và thiêu cháy cả cuộc đời mình.

Thế nên: Yêu cũng cần phải học cách chia tay.

Không phải tình cảm lúc nào cũng như ý mình

- Đăng Khoa (Q3, TPHCM): Vì sao tội phạm trẻ ngày càng nhiều? Có phải quy định của pháp luật rằng mức án tối đa đối với tội phạm vị thành niên là 18 năm tù nên nhiều đối tượng không sợ phải trả giá đắt khi giết người? Chúng ta có cần sửa luật, nâng mức hình phạt tối đa với những đối tượng này để tăng tính răn đe và phòng ngừa chung?

>> Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an:

+ Về vấn đề vì sao tội phạm trẻ ngày càng nhiều: Tội phạm trong giới trẻ ngày càng gia tăng là một thực tế. Như tôi đã trả lời ở câu hỏi trước, những người trẻ tuổi cần phải được sự quản lý, giáo dục kỹ lưỡng của gia đình - nhà trường - đoàn thể và của toàn xã hội.

+ Về việc sửa luật: Đây là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Việc phải đưa ra xét xử, tuyên một mức án cụ thể với một người trẻ tuổi chỉ là phần ngọn của vấn đề. Không phải cứ tăng mức hình phạt là làm giảm được tội phạm. Vấn đề là chúng ta phải giáo dục những người trẻ tuổi có ý thức chấp hành pháp luật tốt để không gây ra cái ác.

- Mỹ Lợi (Q5, TPHCM): Có ý kiến cho rằng: trẻ em vị thành niên có tâm lý thiếu ổn định, xốc nổi, thích độc lập và thích khẳng định mình. Điều này dẫn đến thái độ sống không đúng đắn và những hành vi xấu của trẻ nếu chúng ta không kịp uốn nắn. Ông nghĩ gì về ý kiến này? Và giải pháp đối với việc này?

>> Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm Tp.HCM

Chào chị,

Về mặt sinh lý thần kinh, tuổi vị thành niên đang phát triển rất nhanh, hưng phấn cao hơn ức chế nên cảm xúc dễ bùng lên, hành động dễ xốc nổi thiếu kiềm chế. Giai đoạn này trẻ khó khăn trong việc kiểm soát bản thân.

Về mặt xã hội, trẻ vị thành niên bắt đầu bước ra khỏi cái vòng an toàn ở gia đình để bước ra xã hội, hòa nhập vào nhóm bạn, tiếp xúc nhiều đối tượng khác nhau, tiếp xúc với internet... Do đó, một mặt trẻ có nhu cầu khẳng định bản thân trước mọi người cực lớn, mặt khác trẻ phải đối đầu với rất nhiều những "cơn gió ngược" như: cám dỗ từ game, bạn bè xấu, mâu thuẫn với bạn bè, nguy hiểm về mặt giới tính, các website đen, phim ảnh đồi trụy và các cú sốc trong giao tiếp. Do đó, môi trường xung quanh trẻ vị thành niên phức tạp hơn rất nhiều.

Trong khi đó, về mặt tâm lý, tuổi vị thành niên chưa có nhiều kinh nghiệm sống, các kỹ năng ứng xử còn non nớt, kỹ năng quản lý cảm xúc hầu như chưa có, kỹ năng tự chủ và biết nói "không" với cám dỗ còn rất sơ đẳng, kỹ năng tự bảo vệ bản thân chưa nhiều... Nếu phụ huynh và nhà trường không trang bị các kỹ năng sống này, trẻ sẽ thiếu bản lĩnh để đối đầu với các "cơn gió ngược" nêu trên trong xã hội.

Tất cả những điều kiện trên cộng hưởng lại khiến cho tuổi vị thành niên có tâm lý thiếu ổn định và dễ hành động xốc nổi.

Cần rèn luyện trẻ kỹ năng tự bảo vệ trước những tác hại xấu của internet

Về giải pháp, "bệnh do nguyên nhân gì phải chữa từ nguyên nhân đó", yếu tố sinh lý thần kinh chúng ta không thể tác động vì đó là tự nhiên, điều duy nhất ta có thể làm là tác động vào môi trường xã hội và giúp trẻ đẩy nhanh sự trưởng thành tâm lý.

+ Về môi trường xã hội, không thể cấm trẻ ra ngoài, cấm tiếp xúc với internet... Mà ta chỉ có thể hạn chế trẻ tiếp xúc với phim bạo lực, bạn xấu hoặc website đen. Tạo một môi trường gia đình lành mạnh, người lớn sống đạo đức và gương mẫu.

+ Về việc giúp trẻ trưởng thành tâm lý, người lớn phải rèn cho trẻ kỹ năng sống ngay từ lúc nhỏ, từ kỹ năng giao tiếp căn bản, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng từ chối cám dỗ như từ chối thức ăn có hại hay các game không lành mạnh. Khi trẻ lớn lên một chút cần dạy trẻ kỹ năng ứng xử trong các tình huống giao tiếp khác nhau, cách giải quyết mâu thuẫn với bạn bè và cách quản lý cảm xúc của bản thân... thông qua những câu chuyện kể, qua các tình huống thực tế đầy sống động của cuộc đời. Để làm được điều đó, phụ huynh cần thực sự kiên trì và có một tư duy tiến bộ.

* Ngoài ra, hãy dạy trẻ tự đề kháng và tự học, hướng dẫn trẻ khi lên internet thì nên xem cái gì, cái gì không nên xem và giao cho trẻ tự chủ, phụ huynh chỉ giám sát từ xa. Có thể gửi con đi học kì quân đội, các lớp kỹ năng sống để các chuyên gia giúp đỡ rèn luyện thêm cho con cái chúng ta.

Thế nên, sống cũng cần phải có kỹ năng. Không có kỹ năng sống tốt, trẻ khó mà sống tốt và trở thành người tốt.

- Như Ý (Long An): Nhìn lại những vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, chấn động dư luận trong thời gian gần đây, từ vụ Lê Văn Luyện (ở Bắc Giang), đến vụ Trần Nhật Duy (21 tuổi, Tiền Giang)... và mới đây nhất là vụ thảm sát 6 người chết ở Bình Phước, có thể thấy hung thủ gây án đều là những thanh niên trẻ tuổi. Thưa Đại tá Vũ Hoàng Kiên, theo ông đâu là những nguyên nhân chính khiến người trẻ bây giờ dễ dàng trở thành những sát thủ máu lạnh, ra tay tàn độc đến thế? Giải pháp căn cơ nào để ngăn chặn?

Bình luận những câu hỏi của bạn đọc

>> Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an:

Theo tôi, nguyên nhân của hiện tượng này là ngoài việc quản lý, giáo dục của một bộ phận gia đình, nhà trường còn thiếu chặt chẽ, hời hợt thì hiện nay, thanh thiếu niên, người trẻ tuổi còn bị tác động nhiều bởi những phim ảnh, các loại game có tính chất bạo lực. Tôi nghĩ cái gốc của vấn đề vẫn là giáo dục, cần có thêm thời lượng giảng dạy về các môn đạo đức, lối sống cho học sinh trong chương trình giảng dạy. Ngoài ra, Đoàn thanh niên ở các địa phương cần phải đa dạng hóa sân chơi cho thanh niên, để vừa giúp người trẻ sống có lý tưởng, sống lành mạnh, nói không với các loại tệ nạn và các hành vi phạm tội... Gia đình - nhà trường - xã hội vẫn là các yếu tố quyết định khắc phục tình trạng này. 

- Nguyễn Anh Tuấn (anhtuan...@gmail.com): Theo tôi, nguyên nhân tội phạm gia tăng thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân căn bản vẫn là thói quen hưởng thụ và vô cảm với cộng đồng, không có trách nhiệm với bản thân xã hội và gia đình. Có cách gì chấn chỉnh nguyên nhân trên?

>> Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm Tp.HCM

Chào anh,

"Không có trẻ em hư, chỉ có nhà giáo dục tồi". Thói quen hưởng thụ và vô cảm với cộng đồng, không có trách nhiệm với bản thân và gia đình, xã hội của người trẻ đều không phải tự nhiên mà có. Xét cho cùng, những tên tội phạm đều là những nạn nhân. Khi sinh ra, họ cũng là những đứa trẻ ngây thơ như tất cả mọi người, tuy nhiên khi đến tuổi trưởng thành, vì sao họ lại giết người, trộm cướp. Ai đã dạy họ điều đó?

Vì thế, xét dưới góc độ nguyên nhân, họ là nạn nhân của cả một quá trình ảnh hưởng bởi môi trường: môi trường xã hội, môi trường gia đình và môi trường giáo dục. Nếu ai sống trong môi trường xã hội phức tạp, gia đình ít dạy bảo hoặc dạy bảo không đúng cách, nhà trường ít giáo dục đạo đức hoặc giáo dục không hiệ quả, thì nguy cơ có những hành vi lệch chuẩn tất yếu sẽ cao hơn.

Trường học góp phần quan trọng trong giáo dục nhân cách cho học sinh.

Thế thì làm sao để chấn chỉnh?

Chấn chỉnh xã hội để môi trường sống của con trẻ lành mạnh, chấn chỉnh giáo dục để đạo đức người trẻ thực sự phải được hình thành... đó là những việc vĩ mô mà những nhà quản lý xã hội đã biết từ lâu. Chỉ có yếu tố giáo dục gia đình là điều mà mỗi người chúng ta có thể tác động và chủ động.

Vì vậy, để con cái không có lối sống hưởng thụ, phải giáo dục con bằng sự làm việc, cho con cái phụ giúp từ những việc nhỏ nhất trong gia đình như xếp quần áo, rửa chén, lau nhà, nấu cơm cho đến những việc khác phức tạp hơn trong sức của mình.

Để con cái không vô cảm, hãy dạy con biết giúp đỡ mọi người từ những người thân thiết, giúp đỡ anh em, đỡ đần cho mẹ cho đến giúp đỡ hàng xóm láng giềng, bạn bè thầy cô.

Một bà mẹ chở đứa con là học sinh tiểu học đi về ngang cầu Thị Nghè (Tp.HCM) thì gặp một người bị rơi tiền tung tóe. "Kétttt!" - Lập tức bà mẹ dừng xe, giục con xuống nhặt kẻo người ta nhặt hết. Thử hỏi với cách giáo dục đó, bao giờ xã hội mới hết những người vô cảm, biết sống trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng?

- Bạn đọc (quận 1, TPHCM): Nhân cách người trẻ ngày nay xuất phát từ giáo dục. Tôi nhớ ngày xưa, thời chúng tôi, học sinh cấp 1 đã có thể viết văn, chuyện lễ giáo trong gia đình, nhà trường đâu ra đó, biết kính trên nhường dưới. Gia đình rất quan trọng. Vậy mà nay mở sách giáo khoa thấy nội dung khô khan, ít đề cao tình cảm gia đình, thờ cha kính mẹ. Sách giáo khoa hiện nay không rõ vai trò trong việc nâng cao vị trí gia đình. Phải chăng đây là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều cháu trẻ hiện nay sống thực dụng, lệch lạc. Từ đây chúng tôi tha thiết quý báo, qua buổi giao lưu trực tuyến này, có thể làm rõ: Vai trò của Viện Nghiên cứu giáo dục, của Bộ Giáo dục hiện ở đâu, đã làm được gì? Vai trò Đoàn Thanh niên, Liên hiệp Thanh niên đã thực sự làm tốt hay chưa?

>> Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm Tp.HCM

Chào chú,

Nhiều chuyên gia đã nhân định, môi trường xã hội ngày nay phức tạp hơn ngày xưa rất nhiều. Thời nay, giới trẻ tiếp xúc với nhiều thể loại game, nhiều loại phim ảnh, tiếp xúc với internet với hàng triệu website cả tốt lẫn xấu, những "tấm gương đen" cướp bóc giết người đầy rẫy trong xã hội,... Do đó, giới trẻ ngày nay cần có một sức đề kháng mạnh hơn trước những cám dỗ sa ngã trong cuộc sống.

Trong khi đó, gia đình thì bận bịu mưu sinh nên ngày càng ít dành thời gian hơn cho con cái, nhà trường nặng gánh kiến thức không còn thời gian cho mảng giáo dục đạo đức và hình thành kỹ năng sống cho học sinh. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ ngày nay phải tự mình đương đầu với nhiều những "cơn gió ngược" trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, tỉ lệ bạn trẻ "bị quật ngã" không ít cũng là điều dễ hiểu.

Được biết, ngành giáo dục cũng đang trong quá trình "trở mình" để thay đổi, Đoàn Thanh niên - Hội liên hiệp Thanh niên cũng đang cố gắng để làm hết sức mình.

Tuy nhiên, trước khi mong chờ những biện pháp vĩ mô, mỗi người chúng ta trước hết sẽ chăm lo cho chính gia đình mình trước, giáo dục con cháu xung quanh mình, làm tấm gương về lối sống cho láng giềng hàng xóm... là điều mà mỗi người có thể làm để góp sức vào quá trình đầy khó khăn này.

- Nguyễn Anh Tuấn (anhtuan4343@Gmail.com - q5, TPHCM): Tại sao tội phạm ngày càng trẻ hóa? Cách phòng chống hiện nay ra sao? Tại sao có quá nhiều băng nhóm xã hội đen ngoài xã hội? Vai trò của công an phường, và các lực lượng phòng chống tội pham như thế nào? Tỷ lệ phá án bao nhiêu phần trăm? Người dân cần làm gì để góp phần trong công tác phòng chống tôi phạm?

Cảnh sát cơ động tham gia giữ gìn trật tự trên đường phố.

>> Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an:

+ Trước tiên, tôi khẳng định ở Việt Nam chúng ta không có tình trạng băng nhóm xã hội đen hoạt động lộng hành. Chỉ có những đối tượng tập hợp thành nhóm, hoạt động vi phạm pháp luật. Chúng hình thành rất nhanh và tan rã cũng rất nhanh. Bộ Công an đã chỉ đạo công an 63 tỉnh thành trong cả nước thường xuyên lập danh sách quản lý, theo dõi và có lộ trình triệt phá. Các nhóm tội phạm này đã được triệt phá nhiều trong thời gian qua.

+ Vai trò của công an phường, cũng như các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cấp cơ sở (dân phòng, bảo vệ dân phố, tổ tự quản...) có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống tội phạm. Bởi, các lực lượng này quản lý trực tiếp địa bàn, kịp thời phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng. Đây cũng là những lực lượng đầu tiên có thể triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn tội phạm. Việc tăng cường lực lượng, trang thiết bị, cũng như đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cấp cơ sở là chủ trương trước mắt và lâu dài của Bộ Công an.

+ Vai trò của người dân là yếu tố quyết định trong phòng, chống tội phạm. Các bậc cha mẹ khi làm tốt công tác quản lý, giáo giáo dục cho con em của mình, hẳn đã chặn được cái gốc của vi phạm. Thêm vào đó, người dân là tai mắt có thể theo dõi, giám sát, phát hiện và tố giác kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật ở mọi nơi, mọi lúc. Tôi nghĩ, nếu người dân phát huy hơn nữa việc phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chắc chắn rằng tội phạm sẽ giảm mạnh.

- Mỹ Hoa (Hà Nội): Kết quả điều tra nhiều vụ án gây hậu quả nghiêm trọng gần đây cho thấy, động cơ gây án của người phạm tội đa số liên quan đến quan hệ tình cảm. Có chăng, người trẻ bây thiếu kiến thức về hôn nhân gia đình, pháp luật, đạo đức ngày càng suy đồi nên dễ yêu mù quáng, rồi không làm chủ được hành vi khi bị đối phương cắt đứt mối quan hệ?

>> Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm Tp.HCM

Chào chị,

Người ta nói vui vui, "số người bị thương vì tình yêu còn nhiều hơn cả số người bị thương vì gươm súng" để cho thấy hầu như ai cũng trải qua một hoặc vài lần đau đớn vì tình. Do đó, rất rất cần thiết phải hướng dẫn cho bạn trẻ về cách yêu, cách ứng xử khi mâu thuẫn và cả cách chia tay sao cho lịch sự, an toàn.

Một bạn trẻ muốn hành nghề phải trải qua 12 năm phổ thông và vài năm đại học hay cao đẳng, rèn luyện hàng chục kỹ năng nghề nghiệp, hàng tá kỹ năng mềm. Tuy nhiên, một bạn trẻ bước vào tình yêu thì có bao nhiêu môn dạy cách nuôi dưỡng tình cảm, cách xử lý mâu thuẫn? Bao nhiêu cha mẹ hướng dẫn con cách kiềm chế cảm xúc và cả cách chia tay?

Nói thế để thấy con người ta bơ vơ trong mảnh đất tình yêu thế nào. Và khi bạn trẻ không có kỹ năng để ứng xử thì họ sẽ phản ứng một cách mù quáng tự nhiên. Nhiều bạn trẻ khi nghe nói đến "yêu cũng cần phải học cách chia tay" thì bĩu môi nhạo báng: "Ôi giời, yêu mà còn phải học cách chia tay thì yêu làm quái gì!", nghĩa là đối với nhiều bạn, yêu là phải nhắm mắt hết mình, yêu là không cần lý trí, cảm xúc thế nào thì cứ hành động thế đấy. Đó là một quan điểm về kiểu yêu mù quáng.

Để chia tay an toàn, để làm chủ hành vi khi bị đối phương cắt đứt mối quan hệ, mời bạn đọc tham khảo video clip "HỌC CÁCH CHIA TAY" dành cho các bạn trẻ mới chập chững bước vào tình yêu - lĩnh vực khiến con người ta hạnh phúc và cũng khiến cho nhiều người đâu khổ nhất...

Video clip: https://www.youtube.com/watch?v=okD-ZzpL4M4

- Nguyễn Anh Tuấn (anhtuan4343@Gmail.com - q5, TPHCM): Xin hỏi tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, một số vấn đề sau: Tại sao có tội phạm? Hoàn cảnh nào dễ xảy ra tội phạm? Tại sao giới trẻ bây giờ thích hưởng thụ hơn là lao động cống hiến? Tại sao bây giờ ở những vùng quê cũng có tội phạm?

>> Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm Tp.HCM

Chào anh,

Tại sao lại có tội phạm?

Dưới góc độ tâm lý, ai cũng có nhu cầu: nhu cầu vật chất, nhu cầu tình cảm, nhu cầu an toàn, nhu cầu được tôn trọng...

Song song đó, ai cũng có khả năng: khả năng làm việc, khả năng bảo vệ tình cảm, khả năng khiến cho mọi người tôn trọng...

Nếu nhu cầu cao, mà khả năng hạn chế, hoặc là họ sẽ hạ nhu cầu xuống, hoặc học tập để tăng năng lực của mình lên để thỏa mãn nhu cầu. Tuy nhiên, nếu ai lười biếng học tập và rèn luyện, cộng với nền tảng đạo đức kém, họ sẽ đi "đường tắt" để thỏa mãn nhu cầu của mình bằng con đường phạm tội.

Ví dụ: Anh A có nhu cầu sở hữu 100 triệu đồng, nhưng anh ta không có nghề nghiệp, hoặc khả năng làm việc hạn chế. Để thỏa mãn nhu cầu, hoặc là anh ta phải rèn luyện để làm việc năng suất cao hơn, tạo ra nhiều tiền. Nhưng nếu anh ta lười biếng, đạo đức kém, và có cơ hội, anh ta sẽ đi cướp, hoặc gian lận, hoặc tham nhũng để thỏa mãn mình.

Hoàn cảnh nào dễ xảy ra tội phạm?

Một là xã hội ít việc làm, nhiều người thất nghiệp, sinh ra "nhàn cư vi bất thiện".

Hai là gia đình, nhà trường giáo dục đạo đức kém, người ta dễ bất chất việc xâm phạm đến người khác để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

Ba là hoàn cảnh phạm tội thuận lợi, chẳng hạn như nhà không khóa, người đi đường sơ hở, người dân thiếu ý thức bảo vệ tài sản...

Bốn là môi trường xã hội phức tạp, người ta dễ tiêm nhiễm các hành vi xấu, hoặc pháp luật chưa đủ răn đe...

Năm là tâm lý của bản thân người phạm tội, lòng tham lớn, sống ích kỷ, khả năng kiềm chế kém, lại lười lao động...

Những trường hợp đó dù ở thành thị hay nông thôn đều có thể xảy ra, nên dù là thành phố hay vùng quê đều cũng có thể xảy ra tội phạm.

- Phạm Minh (Quận 4, TPHCM):

1. Trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp hiện nay, xin Đại tá Vũ Hoàng Kiên cho biết cách nhận dạng các đối tượng có dấu hiệu phạm tội để người dân biết phòng tránh.. .

2. Rất nhiều vụ án gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua có liên quan đến ma túy tổng hợp, xin Đại tá Vũ Hoàng Kiên cho biết hiện nay công tác ngăn chặn vấn đề này của Bộ Công an ra sao?

>> Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an:

Đầu tiên là do gia đình không quản lý giáo dục tốt con em mình, nuông chiều về vật chất... Các em không có nghề nghiệp ổn định, không định hướng được tương lai của mình, chỉ biết ăn chơi lêu lổng. Thứ hai, các em dễ bị nhiễm vào các tệ nạn xã hội như sử dụng ma túy, nghiện game, ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, cờ bạc, rượu chè... Các em dễ bị lôi kéo quan hệ với các đối tượng xấu dẫn tới tham gia vào các nhóm tội phạm để có tiền thỏa mãn các ham muốn cá nhân.

Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết các đối tượng có nguy cơ phạm tội: hình thức bề ngoài như trang phục, đầu tóc khác thường. Nếp sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ của các em cũng thay đổi bất thường: hay bỏ nhà đi chơi đêm, suốt ngày giam mình trong phòng hay các quán internet, sử dụng tiền không rõ nguồn gốc...

Tội phạm trẻ ngày càng phức tạp và gia tăng đáng báo động với tính chất ngày càng hung bạo, đối tượng gây án ngày càng trẻ hóa. Đây là một vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Vì vậy, rất nhiều câu hỏi đã được gửi đến buổi giao lưu trực tuyến. Do có nhiều câu hỏi có nội dung trùng lặp, thời gian giao lưu có hạn nên Báo SGGP chọn ra một số câu hỏi để Đại tá Vũ Hoàng Kiên (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) trả lời.

Tại buổi giao lưu, Đại tá Vũ Hoàng Kiên cho rằng để nhận biết và phòng tránh những hiện tượng tiêu cực này, vai trò của gia đình, các tổ chức xã hội và nhà trường là quan trọng nhất.

Với tư cách là chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa ra lời khuyên về những kỹ năng sống các bạn trẻ cần trang bị cho bản thân, và nhắc nhở: “Yêu cũng cần phải học cách chia tay”.

Tìm giải pháp phòng chống tội phạm ngày càng trẻ ảnh 9

Phó Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Thành Lợi (bìa phải) tặng hoa cảm ơn 2 vị khách mời.  

Quốc Anh -  Nhứt Minh (tổng hợp). Ảnh: Mai Hải - Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục