Tìm giải pháp thúc đẩy du lịch biển đảo Việt Nam

Ngày 9-12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp”.

Du khách đi tàu cao tốc Tàu cao tốc Phú Quốc tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Du khách đi tàu cao tốc Tàu cao tốc Phú Quốc tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Một trong bốn sản phẩm chủ đạo du lịch Việt Nam

Việt Nam sở hữu hơn 3.200km đường bờ biển với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, và có 125 bãi biển đẹp, còn hoang sơ nằm ở 28 tỉnh, thành ven biển. Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bày tỏ với lợi thế nói trên, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 22-12-2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu định hướng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đồng thời, du lịch biển đảo được xác định là một trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Thời gian tới, du lịch biển đảo Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những hạn chế hiện nay đối với du lịch biển như các nhà đầu tư chú trọng lợi nhuận ngắn hạn, sức ép tài chính và thu hồi vốn đầu tư; hạn chế về môi trường và nguồn lực đầu tư cho môi trường; phân vùng chưa hợp lý ở nhiều quy mô, cấp độ…

Hội thảo có sự tham gia của 200 đại biểu trực tiếp gồm đại diện các bộ - ngành, lãnh đạo một số địa phương, Hiệp hội Du lịch các tỉnh thành, cộng đồng doanh nghiệp lữ hành
Thời gian lưu trú của khách du lịch còn thấp, tính mùa vụ cao, thiếu sản phẩm du lịch cao cấp; kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống cảng tàu du lịch vừa thiếu vừa yếu; môi trường biển có sự suy thoái nhưng công tác bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường của hoạt động du lịch biển đảo còn nhiều bất cập.

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh, trong phát triển du lịch biển cần quan tâm đặc biệt là bảo vệ môi trường. Nếu không quan tâm, chắc chắn sẽ trả giá. Không chỉ vậy, mỗi địa phương đều có một thế mạnh riêng, bài toán đặt ra là các tỉnh, khu vực cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng.

“Nếu không có nét đặc thù và tạo điểm nhấn lâu dài thì khách không thể ở, cũng như chi tiêu ít. Ngoài những loại hình đang có và thịnh hành là du lịch biển nghỉ dưỡng, tắm biển, Quảng Ninh còn có cảnh quan, không gian trên bờ phụ trợ. Hiện nay, chúng tôi đang có 175 tàu du lịch nghỉ đêm… Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có những điểm nhấn riêng trong phát triển du lịch biển”, ông Thủy nói.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Còn theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, các địa phương cần phải thay đổi cách tiếp cận khách, chủ động khai thác khách thay vì bị động đón khách tàu biển đến như hiện nay để vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Muốn làm được vậy, cần có chiến lược quốc gia về du lịch biển; nghiên cứu, phát triển tổng thể du lịch biển Việt Nam, có khung pháp lý đầy đủ, phù hợp dành cho tàu đi tuyến biển; khung pháp lý phù hợp với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chúng ta đang "mặc chiếc áo quá chật" về du lịch biển, trong khi đấy, nhu cầu khách về loại hình này khá cao. Chật ở chỗ là khung pháp lý cho chúng ta là cho thủy nội địa, chứ không phải là cho du lịch biển, tuyến hàng hải. Ví dụ, tổ chức ngồi ăn trong sông Hàn nhưng phải mặc áo phao, khách lên tàu không được di chuyển, chụp hình..”, ông Dũng chia sẻ.

Du khách mặc áo phao khi ở trên tàu thuyền. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đồng ý kiến với ông Dũng, chia sẻ về câu chuyện của chính đơn vị, ông Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT của Vũng Tàu Marina cho biết, các quy định pháp luật từ quy định sản xuất, đăng kiểm, cấp phép hoạt động tàu thuyền, hoạt động bến thủy địa, xây dựng cơ sở hạ tầng… lạc hậu, không phù hợp với thực tế. Mỗi địa phương là mỗi quy định, khung pháp lý rất lúng túng, chồng chéo. Hoạt động tư pháp cần cải cách để tạo điều kiện cho cán bộ có thể đưa ra những điểm mới, sáng tạo trong du lịch.

Theo ông Vũ Duy Vũ, chuyên gia du lịch tàu biển; nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Sài Gòn Tourist, cần phát triển hơn nữa các thị trường khách du lịch tàu biển thế giới và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt các thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Quốc; tăng cường hơn nữa các hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch Việt Nam nói chung tại các thị trường tiềm năng; xem xét thành lập chi hội du lịch tàu biển nhằm tạo sự kết nối chia sẻ thông tin; chính sách visa cần thông thoáng, cởi mở, linh hoạt hơn; tiếp tục cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách tàu biển…

Tin cùng chuyên mục