Tìm Hà Nội ở Brussels

Những ngày  này, gọi điện cho gia đình, bạn bè ở Hà Nội thật dễ chạnh lòng. “Đang có công việc liên quan Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, để sau 10-10 tính tiếp, nhé” hoặc “Cả nhà đi xem trình diễn ánh sáng laser ở hồ Gươm nên không nhấc máy”, hay “Này, đi dạo trên đường Điện Biên Phủ tuyệt lắm, kém gì đại lộ Ánh Sáng ở Paris đâu”… Ai cũng muốn tận hưởng thời khắc ngàn năm có một ấy. Còn tôi, xa Hà Nội, tìm thấy bóng hình gì của thủ đô thâm trầm, duyên dáng nơi Brussels tráng lệ này?!

May mắn có cô bạn ở TPHCM qua Pháp dự đám cưới ghé thăm, tôi mừng như bắt được vàng. Rồi rớt nước mắt khi bạn rút từ túi ra làm quà chục đôi đũa gỗ. Cùng bạn dạo trên những con phố đi bộ ở trung tâm Brussels, tiếng đũa lách cách sau lưng nghe rộn ràng như sắp được thưởng thức món nộm bò khô Bờ Hồ. Chao ơi, các hàng nộm thi nhau rung kéo gọi khách thuở ấy, giờ còn lách cách nữa hay không?

Bạn hỏi: “Nhớ Hà Nội hả, tìm nhà hàng Việt nha?”. Bún riêu cua, món cả hai cùng chọn, đậm vị ngọt kiểu miền Nam, vẫn ngon, nhưng thấy thiêu thiếu thứ gì đó. Bà chủ hàng cười tủm tỉm, mang ra chiếc chén nhỏ “Mắm tôm chứ gì?”. Đũa lại lách cách, bát bún riêu cua mặn nồng hơn hẳn, dù nấu từ cua đóng hộp. 8 EUR một bát bún riêu cua ở Brussels! Không sao, đó còn là cái giá của nỗi nhớ, của sự kiếm tìm và tìm thấy. Beter iets dan niets (tiếng Hà Lan) - Có còn hơn không, đâu cũng một cách an ủi nhau vậy thôi. Càng ngắm thực phẩm bày tại cửa hàng Việt ở Brussels có cái tên dễ thương Ti Ny’s, càng thấy ấm áp: cốm khô, sắn (khoai mì) luộc, ốc nhồi thịt, ngô nếp, nem rán, thịt ba chỉ quay,  bánh chưng, bánh giò, bánh cuốn, bánh rán rắc vừng, nước mắm, tương ớt, tương bần… Người ta đến đây để thỏa nỗi nhớ hương vị quê nhà và còn để đãi nhau tiếng Việt, được gọi nhau “chị ơi”, “anh ơi”, “em ơi”… trìu mến.

Ngắm những ngôi nhà cổ, phố cổ và các ban công nhỏ xinh đầy ắp hoa ở trung tâm Brussels, thấy có bóng hình Hà Nội đâu đó. Nào Nhà hát Lớn, phố Tràng Tiền, Nhà thờ Lớn phố Nhà Chung, khách sạn Metropole, phố Ngô Quyền… vừa sang trọng tấp nập, vừa riêng tư thâm trầm. Nào phải cứ mùa thu vàng nước Nga, mùa lá đỏ Nhật Bản, sắc thu trời Âu…, ngay giữa Hà Nội ngàn năm, đã có “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…” đấy thôi. Đọc báo mạng hàng ngày, thấy nhiều bạn trẻ say sưa chụp ảnh nét duyên Hà Nội, tức là tiếp tục khám phá vẻ đẹp của thủ đô, từ buổi sớm tinh mơ khi thành phố còn chưa vương mùi xăng xe, rực rỡ chợ hoa Nhật Tân dài hàng cây số đón tết, đến những khu phố rợp phượng đỏ mùa hè, những còn đường  nhuộm trắng hoa sưa mùa xuân…

Có dịp đi nhiều, càng thấy Hà Nội đẹp, càng thấy nhớ nhung gắn bó. Cái gắn bó định mệnh này không cần phải gào thét gọi tên, mà tự nhiên thấm đẫm, như đứa trẻ còn ẵm ngửa giữa chốn đông vẫn nhận ra tiếng mẹ, giọng cha. Cả Hà Nội lúc này vui hội ngàn năm, cả nước lúc này hướng về thủ đô. Người xa xứ cũng trìu mến ngắm Hà Nội qua từng vuông ảnh, lắng nghe từng bản tin thời sự, cập nhật báo online từng ngày.

Cô bạn bật cười khi nghe tôi kể phải thức khuya giặt quần áo ngay tại đất nước văn minh, phát triển này. Lý do đơn giản: sử dụng điện sau 10 giờ đêm và trong hai ngày cuối tuần sẽ được giảm giá đáng kể. Ưu đãi này một phần giúp người dân ở Bỉ không phải chịu cảnh cắt điện triền miên, quá tải giờ cao điểm. Giải pháp “đánh vào kinh tế” thường hiệu quả. Ví như bạn chịu khó phân loại rác cũng tiết kiệm đáng kể phí đổ rác hàng tháng (có thùng rác riêng chứa đồ chai lọ thủy tinh - miễn phí, có loại bao rác riêng đựng chai nhựa, hộp giấy - giảm phí…). Thành phố, làng mạc ở châu Âu tươi đẹp ngay từ cái nhìn ban đầu cũng một phần bởi sự sạch sẽ. Nghe nói Hà Nội dịp này đẹp hơn vì đèn hoa rực rỡ, phố xá tinh tươm hơn hẳn ngày thường. 10 ngày đại lễ sắp trôi qua, rồi Hà Nội sẽ trở lại nhịp sống thường nhật.

10 ngày và muôn ngày. Mong đều là những ngày vui, kiêu hãnh, tự hào về thủ đô Hà Nội!

Kiều Bích Hương (Từ Brussels, Bỉ)

Tin cùng chuyên mục