Tìm hướng phát triển hồ tiêu sạch

Hiện nay, Việt Nam đang nắm khoảng 56% lượng cung hồ tiêu toàn cầu. Tuy nhiên, diện tích cây hồ tiêu đang tăng trưởng quá nóng, nhất là vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Điều này tạo ra nguy cơ lớn đối với sự phát triển bền vững của loại cây công nghiệp có giá trị cao này.
Tìm hướng phát triển hồ tiêu sạch

Hiện nay, Việt Nam đang nắm khoảng 56% lượng cung hồ tiêu toàn cầu. Tuy nhiên, diện tích cây hồ tiêu đang tăng trưởng quá nóng, nhất là vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Điều này tạo ra nguy cơ lớn đối với sự phát triển bền vững của loại cây công nghiệp có giá trị cao này.

Chạy đua số lượng, phớt lờ chất lượng

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước tổ chức ngày 31-10 vừa qua với chủ đề “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên”, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: trong 10 năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu của nước ta tăng rất nhanh, từ hơn 49.100ha (năm 2005) đã tăng đến hơn 101.600ha (năm 2015).

Thu hoạch hồ tiêu ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước)

Dự báo, sẽ còn lên 110.200ha trong năm 2016, vượt 60.200ha so với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT, trong đó vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm gần 95% tổng diện tích.

Tuy nhiên, diện tích trồng hồ tiêu thực tế còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê nói trên. Trong đó, các tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu lớn là Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Ở Bình Phước, diện tích hồ tiêu bắt đầu tăng mạnh từ năm 2013 trở lại đây, trùng với quãng thời gian giá mủ cao su, hạt điều đi xuống hoặc chững lại. Tính đến hết tháng 9-2016, diện tích hồ tiêu của Bình Phước đạt hơn 14.400ha, vượt 4.400ha so với quy hoạch đến năm 2020.

Tại Đắk Lắk, đến tháng 10-2016 đã đạt 25.000ha, dù theo quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh chỉ là 15.000ha… Đặc biệt, diện tích hồ tiêu của Đắk Nông hiện đã vượt 10.579ha so với định hướng đến năm 2020 của tỉnh.

Tuy mở rộng diện tích hồ tiêu với tốc độ chóng mặt nhưng đa số nông dân vẫn chưa chú trọng áp dụng các giải pháp sản xuất an toàn và bền vững. Theo Cục Trồng trọt, phần lớn giống tiêu chưa được nghiên cứu, chọn lọc có hệ thống, độ đồng đều không cao, dễ nhiễm sâu bệnh; kỹ thuật canh tác còn nhiều tồn tại về thiết kế vườn, bón phân, chăm sóc, tiêu - thoát nước…

Đáng lo hơn, nhiều hộ trồng tiêu vẫn chưa có giải pháp đồng bộ phòng trừ dịch hại, đặc biệt là bệnh gây hại từ rễ, tuyến trùng và một số loài nấm. Không những vậy, việc phát triển nóng này sẽ khó hình thành vùng chuyên canh hồ tiêu tập trung lớn như cây cà phê, cao su; do vậy, nhà nước và nông dân sẽ khó đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện…

Và thực tế đã cho thấy, tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu ngày càng phát triển mạnh và khó kiểm soát. Trong đó, hiện tượng rối loạn dinh dưỡng, bệnh chết nhanh, vàng lá chết chậm xảy ra thường xuyên. Hậu quả là chất lượng tiêu hạt không cao.

Từ thực trạng đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Mai Oanh cảnh báo: Dù có nhiều lợi thế nhưng hàng loạt hàng rào kỹ thuật đang được các thị trường nhập khẩu thiết lập ngày một khắt khe đã đe dọa sự phát triển bền vững của cây hồ tiêu nước ta. Do vậy, nếu thời gian tới tình hình không được cải thiện thì sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đi xuống; đặc biệt, khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sắp ban hành một số quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ (trong đó có hồ tiêu). Lúc đó, với diện tích “khủng” và lại thiếu kiểm soát chất lượng hạt tiêu như hiện nay, nguồn cung hồ tiêu sẽ dư thừa, gây rủi ro lớn cho hàng ngàn hộ nông dân trồng hồ tiêu trên cả nước.

Nỗ lực sản xuất sạch

Trước tình trạng cây hồ tiêu phát triển “mong manh” hiện nay, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt và Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp rà soát lại quy hoạch ngành hồ tiêu ngay trong năm nay. Đồng thời, Cục Trồng trọt khuyến nghị ngành hồ tiêu nên tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, hình thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất theo hướng GAP; bảo đảm sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc…

Các địa phương cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển, sản xuất hồ tiêu sạch. Đến hết tháng 9-2016, tỉnh Đồng Nai đã nhân rộng được 140ha tiêu thâm canh ở các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú và đang xây dựng 9 dự án cánh đồng lớn liên kết hồ tiêu, gắn sản xuất với tiêu thụ.

Hai năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã tổ chức 105 lớp tập huấn về sản xuất hồ tiêu bền vững cho hơn 4.000 nông dân. Đồng thời, xây dựng và triển khai nhiều mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững.

Còn tại Bình Phước, ngành nông nghiệp đã xây dựng thành công thương hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh” để quảng bá thương hiệu sản phẩm hồ tiêu của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc phát triển hồ tiêu theo chuỗi giá trị cũng được tỉnh rất chú trọng, nổi bật là dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”, do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư của tỉnh phối hợp Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thực hiện.

Mục tiêu của dự án này là sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA) để xuất khẩu được vào châu Âu và các thị trường khác.

Nhờ dự án trên, đến nay, Bình Phước có 24 câu lạc bộ hồ tiêu bền vững với 523 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 635,35ha. Thông qua dự án này, các hộ nông dân đã biết trồng tiêu sạch, làm ra hạt tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm và được bao tiêu sản phẩm theo giá trên thị trường quốc tế.


HOÀNG LIÊM - ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục